QUYẾT ĐỊNH

Về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của

Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp

____________________________

CỤC TRƯỞNG CỤC CÔNG NGHIỆP

    Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

    Căn cứ Quyết định số 3763/QĐ-BCT ngày 02 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Công nghiệp;

    Căn cứ Quyết định số 1970/QĐ-BCT ngày 06 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp trực thuộc Cục Công nghiệp;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Cục Công nghiệp và Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp là đơn vị thuộc Cục Công nghiệp, thực hiện chức năng hỗ trợ Cục Công nghiệp trong việc quản lý nhà nước về ngành công nghiệp, thực hiện các hoạt động dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp và triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

2.  Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Tên giao dịch quốc tế: Industrial Development Center;

Tên viết tắt: IDC;

Trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn

1. Hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, cụ thể:

a) Hỗ trợ Cục Công nghiệp và các cơ quan liên quan thực hiện các nội dung của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

b) Hỗ trợ Cục Công nghiệp trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển, chương trình, kế hoạch hành động về các ngành công nghiệp; các chương trình kỹ thuật, hệ thống tiêu chuẩn về sản phẩm công nghiệp;

c) Thực hiện tư vấn thẩm tra dự án đầu tư ngành công nghiệp; tư vấn thẩm tra thiết kế công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng ngành công nghiệp theo quy định của pháp luật;

d) Hỗ trợ Cục Công nghiệp và cơ quan liên quan trong việc thực hiện công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra quy hoạch, các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục Công nghiệp;

đ) Giúp Cục Công nghiệp phối hợp với các địa phương trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư FDI vào phát triển công nghiệp, xúc tiến kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa trong việc phát triển công nghiệp;

2.Thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, bao gồm:

a) Tổ chức đào tạo tư vấn viên trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ

b) Tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp

c) Tổ chức đào tạo kỹ thuật và thực hành trong các lĩnh vực công nghiêp, công nghiệp hỗ trợ bao gồm (Đào tạo trong lĩnh vực khuôn mẫu; Đào tạo trong lĩnh vực điện tử; Đào tạo trong lĩnh vực điện mặt trời; Đào tạo trong lĩnh vực dệt may, da giày; Đào tạo về đo kiểm).

d)Tổ chức tập huấn, hội nghị, hội thảo, diễn đàn trong nước, bao gồm :

Tư vấn phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ; Tư vấn đầu tư xây dựng các công trình công nghiệp; Tư vấn thẩm tra kỹ thuật dự án xây dựng các công trình công nghiệp; Tư vấn mô phỏng, xây dựng các nhà máy ảo, thông minh (smart factory);

– Tư vấn cải tiến nâng cao năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ; Tư vấn về các lĩnh vực ưu đãi đầu tư, khoa học – công nghệ, thông tin thị trường, tài chính tín dụng; Tư vấn xây dựng hệ thống quản lý chất lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ.

đ)Tổ chức tham gia hội chợ, triển lãm trong nước và ngoài nước;

e) Tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp tại nước ngoài;

f) Xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông về công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ;

g) Xây dựng, duy trì trang thông tin điện tử các ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ;

h) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ;

i) Dịch vụ cung ứng nhân lực, máy móc, thiết bị tiên tiến, dây chuyền công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất công nghiệp, chuyển giao công nghệ.

k) Dịch vụ sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới, hoàn thiện công nghệ sản xuất và sản phẩm công nghệ cao;

l) Dịch vụ đo kiểm, đánh giá chất lượng sản phẩm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ;

m) Các dịch vụ khác thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Cục Công nghiệp.

3. Được ký kết hợp đồng, thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân trong nước để thực hiện nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ của Trung tâm. Trừ trường hợp các hợp đồng thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải xin ý kiến chỉ đạo của Cục Công nghiệp trước khi ký hợp đồng.

4. Giám đốc Trung tâm được ký kết các hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật hiện hành.

5. Quản lý nhân sự, sử dụng tài sản, cơ sở vật chất, các nguồn kinh phí được giao, thực hiện hạch toán kế toán các khoản thu, chi theo quy định hiện hành của Nhà nước và sự phân cấp quản lý của Bộ Công Thương và Cục Công nghiệp.

6. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Lãnh đạo Bộ và Cục trưởng Cục Công nghiệp giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

Trung tâm có bộ máy giúp việc Giám đốc như sau:

1. Văn phòng;

2. Phòng Kỹ thuật, công nghệ;

3. Phòng Tư vấn, cải tiến kết nối doanh nghiệp;

4. Phòng Cơ sở dữ liệu.

Việc thành lập, tổ chức lại hoặc giải thể các đơn vị trực thuộc Trung tâm do Cục trưởng Cục Công nghiệp xem xét và quyết định theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm.

Điều 4. Lãnh đạo Trung tâm

1. Lãnh đạo Trung tâm có Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc Trung tâm do Hội đồng quản lý Trung tâm đề xuất Cục trưởng Cục Công nghiệp bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật theo quy định của pháp luật và theo phân cấp của Bộ.

2. Giám đốc Trung tâm bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật viên chức cấp phòng hoặc tương đương thuộc Trung tâm theo quy định của pháp luật và sau khi có ý kiến phê duyệt của Cục trưởng.

3. Giám đốc Trung tâm quyết định việc nâng lương cho viên chức và người lao động thuộc Trung tâm theo quy định của pháp luật hiện hành.

4. Giám đốc chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trung tâm; các Phó Giám đốc chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.

Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành, Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Cục, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.