Ngành Cơ khí đóng vai trò vô cùng quan trọng và cũng là nền tảng, động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển. Việt Nam với khoảng khoảng 25.000 doanh nghiệp (DN) cơ khí đang hoạt động chiếm gần 30% tổng số DN công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam, ngành cơ khí đang từng bước làm chủ chế tạo kết cấu thép và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa
Những thành tựu tiêu biểu của ngành Cơ khí Việt Nam
Trong nhiều năm gần đây, ngành Cơ khí Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhất định. Các doanh nghiệp trong nước đã có khả năng làm chủ được công nghệ, sản xuất chế tạo ra nhiều loại thiết bị cơ khí thủy công cho các công trình thiết bị đồng bộ cho các nhà máy công nghiệp; các nhà máy thủy điện;…
Ngành Cơ khí chế tạo nội địa cũng đã sản xuất và lắp ráp ra hầu hết các loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu. Trong đó có những doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô như Thaco, Vinfast,… Điển hình trong đó có Thaco là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực cơ khí tại Việt Nam. Với vị thế của mình, Thaco đã không ngừng đổi mới, phát triển hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại; ứng dụng công nghệ tiên tiến, nhờ vậy dần tạo được thương hiệu về các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng; có khả năng tham gia chuỗi cung ứng gia công cơ khí; khuôn mẫu; cơ khí nông nghiệp, cơ khí ô tô trong nước và xuất khẩu.
Điểm sáng lớn nhất của ngành cơ khí là chế tạo thiết bị điện, với việc sản xuất thành công máy biến áp 220 kV-250 MVA, máy biến áp 500 kV, máy biến áp nguồn 3 pha 500 kV-467 MVA, đưa vào vận hành an toàn, qua đó khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của ngành Cơ khí điện Việt Nam.
Giải pháp phát triển ngành Cơ khí trong nước
Một là, Nhà nước cần có những chính sách đặc thù, vì nếu doanh nghiệp đầu tư cho cơ khí có trang thiết bị trình độ công nghệ 3.0, 4.0, mà phải vay vốn với lãi suất như các ngành kinh tế khác, sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu nâng cao nội lực cho cơ khí Việt Nam. Ngoài ra, một số vấn đề quan trọng khác cần được Nhà nước chỉ đạo và thực hiện mạnh mẽ, đó là dùng hàng rào kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa,… để bảo vệ thị trường trong nước, giống như các quốc gia trên thế giới đã và đang thực hiện.
Hai là, cần có quy định chặt chẽ về tỷ lệ hợp lý trong khối lượng cũng như giá trị dự án để bảo đảm dành cho doanh nghiệp cơ khí nội địa có khả năng tham gia như thông lệ quốc tế, với mục tiêu không cần phải mua toàn bộ từ nước ngoài, mà khuyến khích nhận chuyển giao công nghệ để tự làm.
Ba là, phải cải thiện hiện trạng sản phẩm cơ khí của doanh nghiệp nội. Đồng thời, để phát triển, việc phát triển các cụm ngành sản xuất, liên kết với nhau nhằm phối hợp các chức năng sản xuất, cung ứng máy móc, phụ tùng, cơ sở hạ tầng là rất cần thiết.
Bốn là, phải đổi mới tư duy về sản xuất cơ khí, chống bao cấp, nhưng tạo mọi điều kiện về chính sách, kể cả đầu vào và đầu ra cho sản phẩm cơ khí Việt Nam. Phải xác định thị trường, phân khúc thị trường rõ nét hơn, từ đó có các chính sách vĩ mô kèm theo như chính sách về thuế và tín dụng cho doanh nghiệp ngành Cơ khí.
Năm là, cần ban hành một số cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể về thuế, phí.
Bên cạnh đó cũng phải đẩy nhanh kết nối, chuyển giao công nghệ từ các nhà cung cấp công nghệ tiên tiến trên thế giới và chú trọng đến các công nghệ mới, vì đây sẽ là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi đột phá về mặt công nghệ.
IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)