Để nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tiếp nhận quy trình kỹ thuật và kỹ năng sản xuất từ nước ngoài để nâng cao năng lực sản xuất, giảm phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài; xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tập trung để tạo cụm liên kết ngành … là hai trong những giải pháp tối ưu hiện nay.
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỉ trọng cao (khoảng 40% trong tổng doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế), nhưng chỉ đóng góp gần 14% GDP, giá trị gia tăng rất thấp khi so sánh với các ngành công nghiệp khác.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đang phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu, không tự chủ được các yếu tố đầu vào của sản xuất, ngành CNHT kém phát triển. Tình trạng nhập siêu các yếu tố đầu vào cho sản xuất đã kéo dài từ rất nhiều năm trở lại đây, khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp.
Số liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, giá trị gia tăng từ nước ngoài vẫn chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là từ Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi tỉ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa vẫn còn thấp và chưa có nhiều chuyển dịch đáng kể. Hàng dệt may và hàng điện tử là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng chỉ có tỉ lệ giá trị gia tăng trong nước lần lượt là hơn 50% và hơn 37%.
Thực trạng phụ thuộc nguyên phụ liệu từ nước ngoài không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn.
Vì vậy, một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam chính là thúc đẩy phát triển CNHT, từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện nội địa.
Để đạt được mục tiêu này, theo Cục Công nghiệp, ngoài việc nâng cao năng lực các doanh nghiệp CNHT cũng cần tạo cơ hội thị trường cho doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Đồng thời, Nhà nước cũng cần tích cực mở rộng thị trường nước ngoài cho doanh nghiệp CNHT nội địa, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp nhận quy trình kỹ thuật và kỹ năng sản xuất từ nước ngoài để nâng cao năng lực sản xuất của chính doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước, thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài, giữa doanh nghiệp CNHT với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài.
Để nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm và vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, việc xây dựng các khu CNHT tập trung để tạo cụm liên kết ngành là giải pháp cấp thiết để tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Về chính sách dài hạn, Chính phủ có thể ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ, Luật Phát triển công nghiệp để khẳng định tầm quan trọng của ngành CNHT, từ đó đưa ra các chính sách hỗ trợ chuyên biệt nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, đón các dòng đầu tư và dịch chuyển sản xuất từ các quốc gia.
IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)