Do Covid-19, hoạt động xuất – nhập khẩu bị ảnh hưởng nghiệm trọng, chuỗi cung ứng lưu chuyển hàng hóa bị gián đoạn. Để phục hồi sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng đưa sản phẩm Việt tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Các doanh nghiệp trong ngành dệt may là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng lớn từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng để sản xuất. Công ty CP M2 Việt Nam cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp này đã thực hiện chiến lược và kế hoạch khai thác thị trường nội địa. Doanh nghiệp coi đây chính là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp trong ngành thời trang, may mặc.
Đồng quan điểm trên, Công ty TNHH Việt Thắng Jean đang tập trung đầu tư cho thị trường nội địa. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT công ty cho rằng, thị trường nội địa là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp sản xuất thời trang khai thác. “Thực tế cho thấy để thu hút người tiêu dùng, bên cạnh việc quảng bá thương hiệu, doanh nghiệp cần đẩy mạnh cải thiện phom dáng, màu sắc sản phẩm phù hợp nhu cầu người tiêu dùng”, ông Việt nói.
Có thể, sự đứt gãy nguồn cung sản phẩm nhập khẩu vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất hàng Việt khẳng định “chỗ đứng” của mình tại thị trường nội địa.
Theo Ông Nguyễn Duy Khiêm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát (huyện Thạch Thất), do COVID-19, Trung Quốc đóng cửa biên giới nên việc xuất khẩu các mặt hàng đồ gỗ như bàn, ghế, tủ… dành cho trẻ em bị gián đoạn. Vì vậy, để hạn chế rủi ro khi phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp đã chuyển đổi sang sản xuất cung ứng cho thị trường nội địa.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Amaccao, ông Tô Văn Nhật cho biết, dịch COVID-19 khiến số lượng nhập khẩu các thiết bị điện, van vòi, ống nước… không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Để bảo đảm nguồn hàng cung ứng, doanh nghiệp đã đầu tư trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó giảm giá bán đủ sức cạnh tranh hàng ngoại nhập.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong năm 2022, khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát, thị trường nội địa sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ. Thị trường nội địa không chỉ có nhiều tiềm năng về mặt kinh tế mà còn là điểm tựa chắc chắn, an toàn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần xác định rằng thị trường nội địa là nơi giúp doanh nghiệp đứng vững trong COVID-19. Vì vậy, doanh nghiệp bán lẻ không chỉ nâng cao năng lực tổ chức quản lý mà còn cần liên kết chặt chẽ với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh, đủ tiêu chuẩn chất lượng.
Đồng tình với ý kiến trên, TS Nguyễn Quốc Thịnh (Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh) nhìn nhận, bên cạnh việc đa dạng mẫu mã sản phẩm, áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, doanh nghiệp cần chú trọng việc xây dựng thương hiệu, bởi đây là yếu tố then chốt giúp hàng Việt Nam cạnh tranh với hàng nhập khẩu trên sân nhà.
“Để hàng Việt Nam vừa chiếm lĩnh thị trường nội địa vừa tăng kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp phải chủ động xây dựng, quảng bá thương hiệu hàng Việt tại thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cần liên kết với nhau, tạo thành “quả đấm thép” đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập”, TS Nguyễn Quốc Thịnh nhấn mạnh.
Có thể nói, thị trường nội địa luôn chính là điểm tựa cho doanh nghiệp Việt trụ vững trước dịch COVID-19. Để giữ vững thị phần, vị thế của mình, chinh phục được người tiêu dùng nội địa, doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiên cứu thị trường, sản phẩm, giá cả, nhanh chóng bắt kịp xu hướng tiêu dùng… Đồng thời, Chính phủ cần xây dựng các giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa.
IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)