Việc đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển tăng cao do dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp FDI mong muốn có hệ thống cung cấp tại tại chỗ để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, tốc độ nội địa hóa sản phẩm vẫn chậm.
Theo khảo sát từ Jetro, 86% doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có cả những nhà nhà sản xuất thiết bị công nghiệp đầu cuối lớn trên thế giới như Panasonic, Bosch, Samsung khẳng định mong muốn tăng tỷ lệ mua hàng tại Việt Nam trong vòng 1-3 năm tới. Tập đoàn Techtronic Industries, TTI, Hoa Kỳ đặt mục tiêu tăng tỷ lệ cung ứng nội địa lên tới 80%.
Dù chịu tác động của dịch Covid-19, Việt Nam nằm trong nhóm lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp FDI đối với kế hoạch tăng tỷ lệ nội địa hóa, thể hiện ở tỷ lệ thu mua tại chỗ tại Việt Nam vẫn tăng trưởng trong khi nhiều quốc gia có sự sụt giảm.. Điều này thể hiện rõ các chính sách của Chính phủ trong việc thúc đẩy nền công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã phát huy hiệu quả.
Theo Hội cơ khí điện TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp nhóm này vẫn có sự tăng trưởng tốt. Các đơn hàng chủ yếu đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Chỉ tính riêng năm nay, lượng đơn đặt hàng từ nhóm doanh nghiệp FDI đã tăng 20%. Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội chia sẻ: “Từ đầu năm, đã có rất nhiều doanh nghiệp đặt hàng. Lượng khách hàng tiềm năng vẫn còn rất nhiều, nhiều khách hàng cũ đã đặt vấn đề mua hàng thêm, mua hàng mới”.
Đứng trước cơ hội lớn như vậy nhưng tỷ lệ thu mua tại chỗ tuy có tăng nhưng với tốc độ rất chậm. Năm 2021, tỷ lệ nội địa hóa chỉ tăng 0.4%, đạt 37,4%. Khi so sánh Trung Quốc, Indonesia hay Thái Lan thì vẫn còn khoảng cách lớn. Rào cản lớn nhất chính là chất lượng và năng lực kỹ thuật của bên cung cấp.
Để tháo gỡ điểm nghẽn này, xây dựng cụm khu công nghiệp hỗ trợ đang là giải pháp hữu hiệu. Trong nhiều năm, Công ty Cơ khí Duy Khanh sản xuất với nhà xưởng chỉ rộng 3.000m2. Khi lượng đơn hàng tăng khoảng 20% so với năm ngoái, doanh nghiệp đang phải tận dụng mọi khu vực để bố trí sản xuất. Nhu cầu mở rộng nhà xưởng, quy hoạch vào cụm khu công nghiệp hỗ trợ chưa thể thực hiện được. Ông Đỗ Phước Tống, Công ty Cơ khí Duy Khanh, chia sẻ: “Hiện rào cản lớn nhất của doanh nghiệp là mặt bằng sản xuất. Vì vậy, doanh nghiệp cần chuyển tới các khu công nghiệp với diện tích mặt bằng lớn, đầu tư máy móc, thiết bị để nâng cao cả chất lượng và quy mô, mới có thể giải được bài toán trong chuỗi giá trị toàn cầu”.
Bà Mary Tarnowka, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thương mại Hòa Kỳ tại Việt Nam, cho biết: ” Để đạt yếu tố về quy mô sản xuất, doanh nghiệp cần nâng mình lên để đạt tiêu chuẩn toàn cầu, tức là doanh nghiệp phải có khả năng đáp ứng đơn hàng lớn với chi phí hợp lý”.
Ngoài ra, các cụm khu công nghiệp hỗ trợ còn giải quyết vấn đề mô hình “just in time” của các doanh nghiệp FDI – tức là sản xuất “đúng sản phẩm, đúng số lượng, đúng thời điểm”, “không tồn kho, không thời gian chờ đợi và không chi phí phát sinh”.
TP Hồ Chí Minh đã công bố việc dành ra 300 ha đất để xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang trong quá trình lấy ý kiến và tìm mô hình xây dựng phù hợp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp chưa thể đáp ứng nhu cầu tăng từ các doanh nghiệp đầu cuối do thiếu các cụm khu công nghiệp hỗ trợ. Và khi thiếu đi đơn hàng từ các doanh nghiệp lớn khối FDI thì khả năng đầu tư, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất của các nhà cung cấp nội địa cũng trở nên thách thức hơn. Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, hiện cả nước chỉ có khoảng 400 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty FDI và xuất khẩu.
IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)