Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với Bắc Ninh đóng vai trò quan trọng và cấp thiết với mục đích tạo ra các sản phẩm đạt đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng, qua đó hoàn thiện chuỗi cung ứng tại chỗ cho các thương hiệu toàn cầu hiện đã có mặt tại Bắc Ninh.
Với hàm lượng công nghệ cao, thương hiệu mạnh, sự thay đổi của các sản phẩm công nghiệp Bắc Ninh được thể hiện về chất lượng và chủng loại, nhất là các sản phẩm điện – điện tử thuộc khu vực doanh nghiệp FDI. Có thể thấy được tỷ trọng của ngành công nghiệp điện tử ngày càng lớn, trở thành ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh.
Tuy số lượng doanh nghiệp nội địa tham gia còn hạn chế nhưng cũng là cơ sở để thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa áp dụng công nghệ để cải tiến nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu hơn, gia tăng đóng góp giá trị sản xuất công nghiệp cho tỉnh Bắc Ninh. Sự tham gia sản xuất công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp nội địa là cơ sở cho các doanh nghiệp khác học tập giúp gia tăng số lượng doanh nghiệp nội địa tham gia nhiều và sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam nói chung và tại tỉnh Bắc Ninh nói riêng đang phát triển chậm, thiếu hệ sinh thái hỗ trợ cho các lĩnh vực mới nhưng có giá trị cao trong chuỗi giá trị, nhất là với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cần đầu tư trung và dài hạn. Việc nhập khẩu nguồn nguyên vật liệu, linh kiện để sản xuất làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa. Việc này khiến cho các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài về quản trị, kỹ thuật và năng lực phát triển thị trường. Các doanh nghiệp nội địa còn hạn chế về nhiều mặt như năng suất lao động, năng lực công nghệ, các sản phẩm có hàm lượng công nghệ trung bình – thấp, còn chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI tại tỉnh để tham gia chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu.
Samsung đánh giá tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam đạt mức khoảng 40% nhưng không đóng góp nhiều vào giá trị sản xuất của các doanh nghiệp nội địa. Điều này cho thấy các doanh nghiệp trong nước chỉ cung cấp được những sản phẩm linh kiện giá trị thấp, trong khi các doanh nghiệp FDI đang mong muốn mở rộng thị trường nhà cung ứng nội địa. Đây trở thành cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa tại Bắc Ninh tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội địa tại tỉnh Bắc Ninh chưa thật sự tận dựng được cơ hội.
Do đó, các doanh nghiệp Việt cần những giải pháp hỗ trợ một cách thiết thực, cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh. Những kết quả đạt được có thể trở thành cơ sở cho phát triển khả năng cung ứng của tỉnh Bắc Ninh, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.
IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)