Nhờ quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những hiệu quả rõ nét. Hiện nay Việt Nam đã có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia, tạo việc làm cho khoảng 600.000 lao động.
Số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến – chế tạo.
Năm 2021 do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, ngành sản xuất ô tô trong nước đã gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các Bộ, ban ngành, ngành sản xuất ô tô vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh.
Công nghiệp hỗ trợ được quan tâm, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày điện tử,… Năng lực sản xuất các sản phẩm CNHT trong nước đang trên đà cải thiện. Các doanh nghiệp trong nước đã có thể cung cấp một số phụ tùng, linh kiện cho các sản phẩm điện tử, ô tô xe máy và các sản phẩm thiết bị máy móc, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2021 nhưng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã chủ động thay đổi chiến lược, chuyển đổi mô hình và nhanh chóng phục hồi. Do đó, ngành CNHT đã dần phục hồi, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của công nghiệp nội địa.
Trong tháng 3/2021, Qima đã thực hiện khảo sát với hơn 700 doanh nghiệp trên toàn cầu, theo đó, Việt Nam tiếp tục được nhiều doanh nghiệp Mỹ và châu Âu lựa chọn vào chuỗi cung ứng. Việt Nam được bình chọn là một trong 3 quốc gia cung ứng hàng đầu của 25% doanh nghiệp có trụ sở tại châu Âu trong quý I/2021; con số này thậm chí còn cao hơn, ở mức 43% với doanh nghiệp ở Mỹ.
Số lượng nhà cung ứng cho Samsung tăng lên, nhà cung ứng cấp 1 từ 35 (năm 2018) lên 42 doanh nghiệp, nhà cung ứng cấp 2 tăng từ 157 (năm 2018) lên 170 doanh nghiệp. Hiện nay, có khoảng 240 doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia vào mạng lưới cung ứng của Samsung. Ngoài Samsung, đến năm 2020, Toyota Việt Nam đã có 5 nhà cung cấp Việt Nam trong tổng số 33 nhà cung cấp (chiếm 15,15%).
Bên cạnh đó nhiều sản phẩm “made in Việt Nam” đã ra đời. Năm 2015, sự xuất hiện của chiếc điện thoại cao cấp “Made in Việt Nam” thương hiệu Bphone trên thị trường đã đánh dấu sự phát triển bước đầu của ngành công nghiệp công nghệ thông tin tại Việt Nam. Sau 30 năm chủ yếu làm lắp ráp với tỷ lệ nội địa hóa chưa bao giờ đạt kỳ vọng, năm 2019, ô tô VinFast thương hiệu Việt đã đánh dấu vị thế mới của ngành công nghiệp ô tô, vươn lên tự chủ trong đầu tư, sản xuất, làm chủ công nghệ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)