Ngành công nghiệp chế biến chế tạo là yếu tố chính đóng góp vào phát triển của ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế, được hiện hữu rõ nét qua những dấu ấn trong bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam.
Công nghiệp Chế biến, chế tạo là ngành đóng góp ngày càng lớn trong nền kinh tế:
Trong giai đoạn 2011-2019, ngành công nghiệp chiếm hơn 32% trong GDP của cả nước; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 16,5% trong GDP. Nếu tính theo mức độ đóng góp vào GDP của các ngành kinh tế, số liệu thống kê từ 2010 đến nay cho thấy, cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đang có sự chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa với sự giảm dần của nông nghiệp và tăng dần của công nghiệp và dịch vụ. Bốn ngành có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế gồm nông nghiệp, chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ, và khoáng sản. Các ngành khác đều có mức đóng góp dưới 5%.
Sản xuất công nghiệp liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao:
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng liên tục trong giai đoạn 2011-2019, trong đó, trong giai đoạn 2016-2019, IIP tăng bình quân 9,44%/năm, cao hơn bình quân giai đoạn 2011-2015 (7,3% năm). Ngành công nghiệp duy trì mức tăng trưởng cao với 8,86%, đóng góp đạt 2,91 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế trong năm 2019. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt nền kinh tế tăng trưởng với mức tăng 11,29%, đóng góp 2,33 điểm phần trăm. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2019 tăng 9,1% so với năm 2018. Việc các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng với tốc độ cao được nhận định là phù hợp với định hướng tái cơ cấu mô hình tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.
Cơ cấu các ngành công nghiệp có sự thay đổi tích cực:
Cơ cấu các ngành công nghiệp có sự thay đổi tích cực, cụ thể tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng của ngành khai khoáng. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo liên tục được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp khi đóng góp trong GDP liên tục tăng qua các năm (từ 12,9% vào năm 2010 lên 13,7% vào năm 2015 và 16,48% vào năm 2019 và ước đạt 16,5% vào năm 2020), trong khi tỷ trọng ngành khai khoáng trong GDP liên tục giảm (từ 9,1% vào năm 2010 xuống còn khoảng 9,6% vào năm 2015 và 6,72% vào năm 2019 và ước đạt 6,1% vào năm 2020).
Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo góp phần tích cực trong việc giải quyết nhu cầu việc làm và nâng cao đời sống của người dân:
Ước tính, công nghiệp chế biến, chế tạo cung cấp khoảng 25,8% việc làm cho nền kinh tế, bình quân mỗi năm tạo thêm 300.000 việc làm. Về góc độ tạo việc làm của các ngành kinh tế, theo số liệu thống kê từ 2010 đến 2019, thay đổi về cơ cấu kinh tế đã dẫn đến những thay đổi về cơ cấu lao động, với sự giảm sút đáng kể của lao động làm việc trong ngành nông nghiệp, từ 49,5% vào năm 2010 xuống còn 34,5% vào năm 2019; ngược lại, ngành công nghiệp và dịch vụ chứng kiến sự gia tăng của lao động. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã cho thấy vai trò chủ đạo của mình trong việc thu hút lao động từ khu vực nông nghiệp, với tỉ trọng lao động tăng từ 13,5% lên 20,7%, tiếp theo là ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ với tỉ trọng lao động tăng từ 11,3% lên 13,3% trong cùng giai đoạn. Các ngành kinh tế còn lại đều có tỉ trọng lao động chưa đến 10%.
IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)