Trong thời gian vừa qua, ngành công nghiệp cơ khí đã có bước tiến rõ rệt ở nhiều góc độ, phần nào khẳng định được vai trò và sức lan tỏa tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, lĩnh vực này cần có những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Theo Cục Công nghiệp – Bộ Công thương thông tin: Hiện nay, ngành cơ khí chế tạo ở nước ta cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; tỷ lệ nội địa hóa 85- 95% trong sản xuất xe máy, đáp ứng nhu cầu phần nào nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Điển hình các doanh nghiệp trong lĩnh vực ôtô như: Thaco, VinFast, Thành Công, … Bên cạnh đó, linh kiện kim loại sản xuất trong nước hiện đã đáp ứng được 85-90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ, máy động lực và 40% cho máy xây dựng, khoảng 15-40% nhu cầu cho sản xuất ôtô với nhiều chủng loại xe, khoảng 40-60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp và khoảng 10% cho các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, trong thực tế, năng lực và những đóng góp của ngành cơ khí còn khiêm tốn và chưa xứng với tiềm năm so với yêu cầu hiện nay, thậm chí nhiều doanh nghiệp công nghiệp cơ khí Việt Nam khó “chen chân” tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là trong những khâu có giá trị gia tăng cao.
Giải pháp lâu dài
Theo Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, cần có chương trình hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng của mỗi ngành; ưu đãi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cỡ vừa và nhỏ, đầu tư mở rộng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ về tài chính… Bên cạnh đó, giúp doanh nghiệp thêm điều kiện tiếp cận công nghệ mới. Cần xem xét việc bình đẳng các ưu đãi đầu tư giữa doanh nghiệp cơ khí trong nước và doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, nhà nước cũng nên tạo nhiều đơn hàng, trong đó có đơn hàng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, nhất là các dự án đầu tư công.
Theo Lãnh đạo Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương, Cục cũng đưa ra giải pháp sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như với ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển. Từ đó, ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí sẽ thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam.
IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)