Năm 2022, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chính thức tuyển sinh đào tạo ngành Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp, với thời gian đào tạo chính quy 4 năm, đây là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam đào tạo ngành này.
Có thể nói, ngành cơ khí là trụ cột cho sự phát triển kinh tế của đất nước, là nền tảng quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp khác. Các sản phẩm của ngành cơ khí phong phú từ những vật dụng nhỏ nhất của gia đình cho tới các chi tiết động cơ xe máy, ô tô, tàu thuỷ, thiết bị điện, máy móc, hàng không, vũ trụ… Thiết kế sản xuất sản phẩm cơ khí được cho là một trong những ngành nghề xương sống, cơ hội phát triển vượt bậc trong xu thế hội nhập toàn cầu, đặc biệt khi ứng dụng linh hoạt các công nghệ hiện đại vào quá trình thiết kế và chế tạo các sản phẩm cơ khí sẽ góp phần nâng cao đáng kể năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và việc ứng dụng máy tính nhằm tự động hóa quá trình thiết kế và chế tạo sản phẩm cơ khí đã phá vỡ quy chuẩn sản xuất truyền thống. Sản phẩm cơ khí được thiết kế tối ưu về kiểu dáng, kết cấu, kích thước và vòng đời sản phẩm.
Kiểu dáng công nghiệp quyết định phần lớn tính cạnh tranh của sản phẩm đó. Kiểu dáng công nghiệp ngày nay đã và đang phát triển thành một ngành nghiên cứu riêng biệt, có vai trò ngày càng quan trọng và mang lại giá trị cộng thêm rất cao cho mỗi sản phẩm. Khi mà xu thế người tiêu dùng ngoài chất lượng sản phẩm, luôn coi hình dáng, tính thẩm mỹ của sản phẩm là một trong những tiêu chí quan trọng, thì việc nâng cao chú trọng kiểu dáng công nghiệp là một lợi thế lớn.
Nhờ sự trợ giúp từ công nghệ máy tính, ứng dụng công nghệ tự động hóa, tích hợp công nghệ thiết kế, mô phỏng, phân tích và trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực thiết kế sản phẩm cơ khí, vai trò của thiết kế được đảm bảo phát huy hết tác dụng, kế hoạch thiết kế luôn được tối ưu hóa, cải thiện tính ổn định, tính đổi mới trong quá trình thiết kế sản phẩm cơ khí. Theo đó thúc đẩy cải tiến thiết kế các sản phẩm cơ khí phù hợp với nhu cầu thị trường.
Trong khi đó, Việt Nam đang gặp khó khăn lớn do thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về thiết kế cơ khí tích hợp kiểu dáng, chưa có khả năng áp dụng các công cụ hiện đại vào quá trình thiết kế để nâng cao chất lượng, liên kết và đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao về lĩnh thiết kế sản phẩm cơ khí còn nhiều kẽ hở, tính cạnh tranh chưa cao. Đặc biệt, chưa có cơ sở nào đào tạo về ngành thiết kế sản phẩm cơ khí tích hợp kiểu dáng công nghiệp để đáp ứng thị trường lao động hiện tại và tương lai trong lĩnh vực công nghiệp Cơ khí nói riêng và công nghiệp phụ trợ nói chung.
Với đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong lĩnh vực thiết kế và chế tạo tại các nước có nền công nghiệp tiên phong, Khoa Cơ khí – Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, được tiếp nhận nhiều thiết bị từ các dự án Jica Nhật Bản và Tập đoàn Foxcon Đài Loan, đặc biệt là Trung tâm công nghệ 4.0 với 5 phòng Lab hiện đại được trang bị hệ thống phần cứng, phần mềm đồng bộ từ Siemens (Đức), đáp ứng được nhu cầu đào tạo chuyên sâu về thiết kế, mô phỏng, phân tích trong lĩnh vực thiết kế cơ khí và kiểu dáng sản phẩm. Nhiều sinh viên Khoa Cơ khí thi nghề thiết kế cơ khí trên máy tính đạt Huy chương Vàng ASEAN, Chứng chỉ nghề xuất sắc thế giới.
Ngoài ra, theo nhà trường, sinh viên đăng ký học ngành này sẽ được trang bị các kiến thức chuyên môn cơ bản đến chuyên sâu về mô phỏng, thiết kế và phân tích về kết cấu, kiểu dáng công nghiệp trên máy tính thích ứng với môi trường làm việc cũng như sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ; là nền tảng để tự động hóa thiết kế kết cấu và kiểu dáng công nghiệp đối với các sản phẩm cơ khí; có đủ kiến thức khoa học để tiếp thu, vận dụng và phát triển tri thức trong lĩnh vực thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp; có các kiến thức cơ sở kỹ thuật nói chung và kiến thức chuyên ngành thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp nói riêng.
Ngoài các kiến thức chuyên môn, sinh viên còn được đào tạo các kỹ năng mềm như làm việc độc lập, làm việc nhóm ở môi trường làm việc trong nước và quốc tế; có kỹ năng giải quyết tình huống, vấn đề liên quan đến thiết kế kết cấu và kiểu dáng các sản phẩm công nghiệp trong lĩnh vực cơ khí;
Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Thiết kế Cơ khí và kiểu dáng công nghiệp, sinh viên có thể công tác trong các lĩnh vực sau: Thiết kế sản phẩm (sản phẩm cơ khí, điện tử, sản phẩm gia dụng, ô tô – xe máy…); quản lý thiết kế; giám sát và đánh giá sản phẩm; chuyên gia nghiên cứu tại các viện, phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) của các doanh nghiệp; giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng…
Khoa Cơ khí – Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội mở ra kỳ vọng về một tương lai phát triển hiện đại, bài bản, trang bị hành trang chuyên sâu trong lĩnh vực khoa học – kỹ thuật phù hợp với chuyên ngành đào tạo nhằm đóng góp vào sự phát triển bền vững của kinh tế- xã hội, cộng đồng.
IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)