Nhờ cân đối hợp lý mà hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành điện tử vẫn tăng trưởng khá cả về chỉ số sản xuất công nghiệp lẫn kim ngạch xuất khẩu dù cho gặp vô vàn khó khăn trong việc nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc do ảnh hưởng của đại dịch.
Tình hình thực tế ngành công nghiệp điện tử Việt Nam
Là ngành sản xuất sản phẩm mang tính cơ bản của nền kinh tế quốc dân, CNĐT có vị trí vô cùng quan trọng trong nền kinh tế hiện đại và tác động vô cùng mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác.
Ngành CNĐT nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển do Việt Nam nằm trong khu vực có nền công nghiệp phát triển nhanh và cực kỳ năng động. Thêm vào đó, nguồn lao động dồi dào và được đánh giá cao về khả năng học hỏi trong việc khai thác, sử dụng và lắp ráp các thiết bị điện tử, kể cả các thiết bị điện tử hiện đại là một lợi thế rất lớn. Chi phí nhân công lao động tương đối thấp cũng tạo nên lợi thế cạnh tranh đáng kể cho các doanh nghiệp so với các doanh nghiệp khác trong khu vực. Ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng cần thiết để phát triển công nghiệp vật liệu phục vụ cho ngành điện tử như: Quặng sắt, đất hiếm, titan, rutin, barit,… Song điều đặc biệt nhất phải kể đến đó là Việt Nam là quốc gia có an ninh, chính trị ổn định và đã rất thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, đã và đang tạo lòng tin cho các nhà đầu tư về một môi trường đầu tư an toàn.
Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ
Samsung, một tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới đến từ Hàn Quốc đã bắt đầu hoạt động sản xuất tại Việt Nam từ năm 2008 với dự án đầu tư đầu tiên là nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh năm 2008, sau đó, vào năm 2013, Samsung Việt Nam tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một nhà máy sản xuất điện thoại rất lớn nữa ở Thái Nguyên (SEVT). Hoạt động sản xuất của hai nhà máy này đã đóng góp rất đáng kể vào doanh thu cũng như lợi nhuận của Samsung và ngân sách địa phương, đây cũng là hai trong số các nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn thế giới. Sau hơn 13 năm hoạt động tại Việt Nam, hiện nay Samsung có tổng 6 nhà máy và một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội.
Tập đoàn LG cũng là một tập đoàn lớn đã đầu tư hoạt động ở Việt Nam từ năm 1995, đến nay LG sở hữu 3 nhà máy sản xuất các mặt hàng chính của LG, bao gồm LG Electronics Vietnam Hai Phong chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử; LG Innotek Vietnam Hai Phong chuyên sản xuất và bán các linh kiện điện tử và LG Display Vietnam Hai Phong chuyên sản xuất màn hình LCD và OLED.
Với kim ngạch xuất khẩu điện tử nói riêng vượt ngưỡng 70 tỷ USD vào thời điểm cuối năm 2017, Việt Nam hiện xếp hàng 12 thế giới và thứ 3 trong khu vực ASEAN về xuất khẩu các mặt hàng này. Nhờ chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài (FDI), việc Samsung (Hàn Quốc) lựa chọn Việt Nam là một cứ điểm toàn cầu cùng viễn cảnh từ xu hướng chuyển dịch một phần chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, trong đó có cả Apple, thì thứ hạng trên chắc chắn sẽ còn được cải thiện thêm nữa. Việt Nam đang đặt kỳ vọng rất lớn vào xu hướng công nghiệp 4.0, kinh tế số và kết nối 5G, như vậy không thể không có một chiến lược đầu tư đúng đắn, bài bản và lâu dài cho lĩnh vực điện tử, vi mạch. Đó cũng chính là con đường mà nhiều quốc gia có nền công nghiệp phát triển đã từng đi, thành công nhất phải kể đến là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.
Trước tình hình đó, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp điện tử và công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, cùng với Nhật Bản, Cục Công nghiệp đã và đang phối hợp với đại diện phía Bộ Năng lượng, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) để lên kế hoạch triển khai hoạt động hợp tác thuộc lĩnh vực công nghiệp ôtô, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử trong những năm tới. Với Hàn Quốc, chúng ta đã xây dựng Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VITASK) cũng như đang trong quá trình thảo luận với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) về việc phối hợp với Hiệp hội DN cơ khí Hàn Quốc (KOAMI) thành lập Trung tâm Công nghệ máy móc Việt Nam – Hàn Quốc (VKMTC) tại TP. Hồ Chí Minh.
Cục Công nghiệp đã đề xuất với chính phủ và các bộ ngành liên quan, cần tập trung hỗ trợ một số DN triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các DN này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước. Bên cạnh đó, việc rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là các quy định cụ thể về hàng hóa có xuất xứ Việt Nam cũng là một trong các vấn đề cần được chú trọng; đồng thời thực hiện đồng bộ các sáng kiến và giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Có như thế, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay mới có thể phát triển nhanh và bền vững.
IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)