Theo Bộ Công Thương công bố mới đây, tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam năm 2021 đạt 69,08 tỷ USD, chiếm 32,66% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA. Năm 2021, đã có 1,2 triệu bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi được cấp, tăng 24% về trị giá và tăng 23% về số lượng bộ C/O so với năm 2020.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết thêm: Về cơ cấu mặt hàng, trong nhóm hàng công nghiệp, giày dép có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi theo FTA tương đối cao, chiếm 95,92% với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA với Việt Nam là 9,25 tỷ USD, giảm 2,78% so với năm 2020.
Tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ đối với mặt hàng giày dép trong các FTA được đánh giá là phù hợp với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam. Bởi vậy, mặt hàng giày dép luôn có kim ngạch xuất khẩu và tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cao khi xuất khẩu sang các thị trường ký FTA. Đối với một số thị trường, tỷ lệ này đạt đến 100%, tức là 100% các lô hàng xuất khẩu đều sử dụng C/O ưu đãi.
Nhựa và cao su là nhóm mặt hàng đứng thứ hai với tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi là 69,02% và 67,37% với kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi đạt 2,87 tỷ USD và 2,38 tỷ USD, tăng tương ứng 33,25% và 30,42% so với năm 2020.
Ngoài ra, sản phẩm dệt may với kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi đạt 9,14 tỷ USD, chiếm 59,90% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này (hơn 15,26 tỷ USD) sang các thị trường có FTA và tăng 13,35% so với kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi của mặt hàng này năm 2020.
Các mặt hàng trong nhóm hàng nông, thủy sản có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cao khi xuất khẩu sang các thị trường có FTA như: thủy sản (66,34%),chè (47,35%), rau quả (65,16%), hạt tiêu (42,03%).
Về kim ngạch tận dụng ưu đãi thuế quan, hàng hóa nước ta xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm vị trí đứng đầu với 18,9 tỷ USD; tiếp đó là hàng hóa xuất khẩu sang ASEAN, Hàn Quốc với trị giá lần lượt là 11,6 tỷ USD và 11,2 tỷ USD. Lượng hàng hóa xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan từ Việt Nam sang thị trường Campuchia, Lào và Cuba không đáng kể.
Làm rõ việc tận dụng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam-EU (EVFTA), Bộ Công Thương phân tích cụ thể: Trong năm 2021, kim ngạch cấp C/O mẫu CPTPP đạt 2,5 tỷ USD, bằng 6,34% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP khi xuất khẩu sang thị trường này còn thấp là bởi hầu hết các nước đối tác đều đã có FTA với Việt Nam, quy tắc xuất xứ lỏng hơn và mức thuế suất ưu đãi hơn so với CPTPP trong những năm đầu CPTPP có hiệu lực.
Năm 2021, với EVFTA, kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O mẫu EUR.1 sang thị trường EU không cao (mức 20,18%). Một vài nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu EUR.1 rất tốt như: gạo (100%), giày dép (98,02%), thủy sản (76,9%), nhựa, sản phẩm nhựa (70,63%).
Hiện nay, đối với thị trường EU còn đang tồn tại 2 ưu đãi theo cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và EVFTA. Doanh nghiệp vẫn đang áp dụng 2 cơ chế này khi xuất khẩu hàng hóa sang EU và lựa chọn C/O mẫu EUR.1, C/O mẫu A hoặc tự chứng nhận xuất xứ theo cơ chế REX để được hưởng ưu đãi thuế quan theo cơ chế tương tự khi xuất khẩu sang EU.
Bộ Công Thương nhận định, trong thời gian tới, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi theo EVFTA trong tổng kim ngạch xuất khẩu còn có thể gia tăng hơn nữa. Giới chuyên gia phân tích, các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như EVFTA và CPTPP sẽ tiếp tục mở ra những ưu đãi về thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng khả năng sản xuất, nâng tầm chuyên nghiệp cho doanh nghiệp trên trường quốc tế. Kỳ vọng xuất khẩu là điểm sáng của nền kinh tế, đảm bảo nguồn nhân lực nội địa tham gia phát triển mạnh mẽ hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)