Công nghiệp hỗ trợ bao gồm các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh. Vì vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Để làm được điều này cần sự hợp tác giữa trung ương, chính quyền địa phương và doanh nghiệp.
Tháng 2/2020, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Hải Dương và Samsung Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về cải tiến sản xuất và chất lượng cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. 15 doanh nghiệp trong chương trình đã được tư vấn cải tiến về sản xuất và chất lượng. Chương trình đã nhận được những phản hồi tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp. Qua chương trình, nhận thức của cán bộ, công nhân viên tại doanh nghiệp trong việc duy trì các hoạt động cải tiến, đáp ứng yêu cầu khắt khe về giá, chất lượng, cách thức giao hàng từ khách hàng, trách nhiệm với xã hội trong môi trường, an toàn lao động đều được nâng cao. Ngoài ra, tỷ lệ lỗi trong quá trình sản xuất giảm dần, năng suất lao động tăng cao.
Tiếp nối thành công của tỉnh Hải Dương, tháng 9/2020, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bắc Ninh và Samsung Việt Nam đã tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ. Trong đó, dự án hợp tác với UBND tỉnh Bắc Ninh mang tính định hướng dài hạn và bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, gồm 2 nội dung chính: Chương trình tư vấn cải tiến DN và Chương trình phát triển nhà cung ứng được diễn ra trong 6 năm (từ 2020 – 2025).
Không chỉ hợp tác với địa phương, Cục Công nghiệp cũng đã xây dựng Đề án “Tổ chức Chương trình đào tạo tư vấn, hỗ trợ quy trình 5S3D cho các DN CNHT ngành cơ khí, điện – điện tử”. Cụ thể, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với Tập đoàn NC Network (Nhật Bản), ReedTradex (Thái Lan) hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo trên địa bàn thành phố tham gia Hội chợ chuyên ngành về CNHT, chế tạo diễn ra tại Hà Nội. Giám đốc Công ty TNHH Trần Thành, ông Nguyễn Xuân Dũng cho biết, sau chương trình, doanh nghiệp đã thay đổi và đạt hiệu quả cao hơn trong sản xuất, kinh doanh. Đây là bước đệm để doanh nghiệp khẳng định năng lực kinh doanh, uy tín với các đối tác khác, mở ra cơ hội phát triển mới cho doanh nghiệp.
Cục Công nghiệp khẳng định, mô hình hợp tác phát triển CNHT giữa trung ương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đầu tàu sẽ tiếp tục được triển khai trong dài hạn. Các địa phương có thể tham khảo mô hình, hướng tới nâng cao năng lực của các doanh nghiệp CNHT, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo số liệu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam năm 2021, Việt Nam vẫn được cộng đồng doanh nghiệp FDI tin tưởng là thị trường đầu tư hấp dẫn. Để rút ngắn thời gian tiếp cận trình độ sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, không chỉ cần sự cố gắng của doanh nghiệp mà còn cần sự hỗ trợ quyết liệt từ trung ương, địa phương. Tuy nhiên, phần lớn địa phương chưa xây dựng các tiêu chí, chương trình hành động cụ thể, chưa bố trí đủ nguồn nhân lực để triển khai hoạt động phát triển công nghiệp trên địa bàn…
Trên cơ sở những kết quả tích cực đã đạt được trong chương trình hợp tác, Bộ Công Thương kỳ vọng, các địa phương sẽ chủ động nâng cao nhận thức, vai trò và tầm quan trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo trong quá trình công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quốc gia thoát bẫy thu nhập trung bình. Đồng thời, Bộ cũng khuyến khích các địa phương tự xây dựng các chính sách, chương trình phát triển CNHT nói riêng và công nghiệp nói chung.
IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)