Nhằm thúc đẩy ngành sản xuất, chế tạo linh kiện điện tử tại Việt Nam, chiều ngày 11/7, tại Hà Nội, Công ty Reed Tradex phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Diễn đàn Điện tử Việt Nam 2019 với chủ đề “Kết nối và đối thoại cùng doanh nghiệp (DN) trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.
DN nội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu còn yếu
Năm 2019 đánh dấu những thay đổi mang tính đột phá cho ngành điện tử Việt Nam bao gồm xu hướng chuyển đổi hoạt động sản xuất linh kiện điện tử từ các thị trường quốc tế sang Việt Nam, sự ra đời của nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vsmart của Vingroup và đặc biệt là thỏa thuận ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) hứa hẹn mở ra nhiều cánh cửa mới cho ngành điện tử Việt Nam.
Tại Diễn đàn, ông Savi Phan Ngân – Giám đốc Dự án, Công ty Reed Tradex Việt Nam – cho biết, hòa nhịp cùng Cách mạng Công nghiệp 4.0, xu hướng phát triển kinh tế số và tiềm năng của nền tảng kết nối 5G, Việt Nam đã và đang là một thị trường nhộn nhịp cho ngành công nghiệp và chế tạo linh kiện điện tử với nhiều tiềm năng thu hút nguồn vốn đầu tư từ các nước trên thế giới.
Theo báo cáo tại một hội thảo về phát triển ngành công nghiệp điện tử, Việt Nam hiện đang đứng thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khu vực ASEAN về xuất khẩu điện tử với giá trị vượt ngưỡng 70 tỷ USD (cuối năm 2017). Tuy nhiên, ngành công nghiệp điện tử, vi mạch của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức do phần lớn giá trị xuất khẩu (95%) đều nằm trong khu vực FDI, trong khi các DN nội địa vẫn chưa đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có đến 77% giá trị sản phẩm là hoàn toàn nhập khẩu.
Nguyên nhân chủ yếu là do các DN đang hoạt động trong ngành điện tử Việt Nam phần đông là các DN vừa và nhỏ, chiếm 98% tổng số DN. Theo ông Ron Ashkin – Giám đốc Dự án “Kết nối DN nhỏ và vừa: Kết nối các DN nhỏ và vừa với chuỗi cung ứng toàn cầu”, chỉ có một số ít DN nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng cho DN nước ngoài. Nguyên nhân do các DN này sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, thiếu kinh nghiệm làm việc với DN nước ngoài, chưa chuẩn hóa đầy đủ, thiếu nhân viên có tay nghề, trình độ quản lý còn kém, rào cản ngôn ngữ, khả năng tiếp cận tài chính thấp…
“Đặc biệt, các nhà cung cấp Việt Nam còn yếu về kỹ thuật, chất lượng không ổn định. Ngoài ra, khả năng đối ứng với các vấn đề bất thường, các vấn đề phát sinh, nhu cầu thay đổi của khách hàng, cải tiến để có giá thành cạnh tranh hơn, đối ứng kế hoạch sản xuất của nhà cung cấp cũng chưa cao” – bà Đào Thu Huyền – Phó Giám đốc Văn phòng Tổng giám đốc Công ty TNHH Canon Việt Nam chia sẻ thêm.
Đẩy mạnh hỗ trợ kết nối DN
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương – Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội DN điện tử Việt Nam (VEIA), quá trình toàn cầu hóa được đẩy lên nhanh chóng tại khắp các quốc gia dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt trong sản xuất ngay tại thị trường nội địa, kể cả Việt Nam, khi xuất hiện ngày càng nhiều nhà cung cấp phụ trợ cho ngành công nghiệp chính như: công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô, hàng không, kỹ thuật cơ khí… Do đó, cần chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ các DN, đặc biệt là các DN trong ngành điện tử.
“Bên cạnh đó, các hoạt động giúp nâng cao năng suất cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy liên kết các chuỗi cung ứng trong nước, kết nối DN trong nước với các DN FDI của ngành điện tử trong khu vực và trên thế giới cũng là điều cần thiết và quan trọng.” – bà Đỗ Thị Thúy Hương nhấn mạnh.
Hiện nay, trong bối cảnh Việt Nam vừa ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên minh châu Âu (EVFTA, IPA), điều này được đánh giá là cơ hội “vàng” cho hợp kinh tế giữa tất cả các DN nói chung và các DN điện tử nói riêng với các nước trong EU – thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy – Phó giám đốc Trung tâm IPS – Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) – cho rằng, khi ngành điện tử Việt Nam xây dựng được mạng lưới các nhà cung cấp trong nước có năng lực cạnh tranh toàn cầu thì sẽ giúp giảm rủi ro về chuỗi cung ứng, thời gian giao hàng cũng như chi phí. Đồng thời, nhóm này sẽ hỗ trợ gia tăng tính linh hoạt của ngành điện tử và giúp giữ chân DN FDI hiện có, đồng thời cũng thu hút nguồn FDI mới.
“Ngoài ra, để có thể đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài tại sân chơi mang tầm khu vực, các DN cũng cần nắm cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược tiếp cận thị trường quốc tế hiệu quả và phù hợp” – ông Savi Phan Ngân nhấn mạnh.
Được biết, nhằm hỗ trợ các DN nhỏ và vừa đang hoạt động trong ngành điện tử Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, USAID đã quyết định thực hiện Dự án liên kết giữa các DN nhỏ và vừa trong giai đoạn 2018 -2023 với tổng ngân sách dự kiến là 22,1 triệu USD.
Một số hình ảnh của Diễn đàn kết nối doanh nghiệp điện tử Việt Nam 2019:
BQT TRUNG TÂM IDC
IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)