Đóng vai trò then chốt trong hội nhập kinh tế quốc tế là việc nâng cao năng lực thực thi hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có tăng cường xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, có tri thức, kiến thức, kỹ năng hội nhập và kỹ năng nghề.
Đây là một trong những nội dung được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khuyến nghị trong Hội nghị trực tuyến về “Hội nhập kinh tế quốc tế”, do UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 4/12, tại Đồng Tháp.
Hội nghị này nhằm trang bị thêm kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thành phố và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, đáp ứng cơ bản yêu cầu hội nhập quốc tế trong thời gian tới.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND Đồng Tháp, hội nhập kinh tế quốc tế là một xu thế tất yếu của thời đại. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian qua, Đồng Tháp đã rất quan tâm và thường xuyên tổ chức các hội nghị phổ biến kiến thức nhằm giúp DN, các ngành, địa phương trong tỉnh nắm bắt thông tin và làm tốt công tác dự báo thị trường để hạn chế tối đa những ảnh hưởng bất lợi từ những biến động của thị trường khu vực và quốc tế.
Kết quả là ngày càng có nhiều DN của Đồng Tháp phát triển nhanh, bền vững, tạo thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế. Trong đó, hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh, thị trường tiêu thụ hàng hóa ngày càng được mở rộng. Riêng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 1,2 tỷ USD và có khoảng 60 DN tham gia xuất khẩu với các mặt hàng gạo, thuỷ sản, trái cây, bánh phồng tôm, dệt may…
Tại hội nghị, đại diện một số vụ, Cục của Bộ Công Thương đã chia sẻ thông tin, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các chuyên đề như: Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA); Khai thác cơ hội và giảm thiểu thách thức, các khuyến nghị đối với tỉnh Đồng Tháp; Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định CPTPP và EVFTA: Những vấn đề địa phương và doanh nghiệp cần lưu ý.
Phó Chủ tịch Đồng Tháp mong muốn, các đại biểu, đặc biệt là cộng đồng DN kinh doanh xuất khẩu của tỉnh cập nhật những thông tin một cách chính thống, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định FTA mang lại để hoạch định chiến lược xuất khẩu cho DN mình trong thời gian tới. Qua đó góp phần đưa hoạt động xuất khẩu của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung phát triển bền vững.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, đến nay Việt Nam đã ký kết 15 FTA khu vực và song phương (trong đó đang thực thi 13 FTA) và đang đàm phán 3 FTA với các đối tác khác. Trong số các FTA này có 2 FTA thế hệ mới. Nếu kết thúc các FTA đang đàm phán, có thể nói Việt Nam đã thiết lập được quan hệ thương mại tự do với hầu hết các nước đối tác quan trọng nhất trên thế giới (trừ Hoa Kỳ), tạo cơ sở vững chắc cho việc tăng cường và thúc đẩy trao đổi thương mại – đầu tư song phương cũng như tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực và trên toàn cầu.
“Việc thực thi các FTA nói trên đã góp phần mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế và quá trình hiện đại hóa đất nước, đồng thời góp phần cho việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của nước ta” – Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, bên cạnh những yêu cầu mới, xu thế và diễn biến mới của hội nhập kinh tế quốc tế cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Đó là hệ thống thương mại đa phương đang đối mặt với xu thế bảo hộ ngày càng mạnh mẽ; xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược, kinh tế giữa các nền kinh tế chủ chốt có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, căng thẳng thương mại giữa các cường quốc cùng với đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã khiến cho nhiều quốc gia phải thực hiện chính sách giãn cách xã hội, chấp nhận “đóng băng một số lĩnh vực kinh tế”, gây ra sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu.
Để tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn trong công tác hội nhập, Thứ trưởng Bộ Công Thương khuyến nghị, các địa phương trong cả nước nói chung và Đồng Tháp nói riêng, cần tiếp tục kiên trì triển khai các đường lối của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế về đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ, xử lý linh hoạt các tình huống, chủ động và tích cực hội nhập.
Đặc biết, trong bối cảnh quốc tế tiếp tục phức tạp, cần tập trung thúc đẩy xuất khẩu ở các nước mới mở được thị trường thông qua các FTA đã có. Đặc biệt, cần chú trọng và nghiêm túc thực thi đầy đủ và hiệu quả các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên, cụ thể là Hiệp định CPTPP và EVFTA. Đồng thời, cần tích cực tuyên truyền, phổ biến nội dung các cam kết hội nhập của Việt Nam trong các FTA, các chính sách, biện pháp cụ thể để tận dụng thời cơ, xử lý thách thức của hội nhập.
Song song đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp lý, hướng tới hài hòa hóa chính sách với các cam kết quốc tế; hình thành các chiến lược lớn về hội nhập quốc tế, tham gia FTA.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng lưu ý với các cấp lãnh đạo và DN Đồng Tháp, đóng vai trò then chốt trong hội nhập kinh tế quốc tế là việc nâng cao năng lực thực thi hội nhập kinh tế quốc tế, do đó Đồng Tháp cần tăng cường xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, có tri thức, kiến thức, kỹ năng hội nhập và kỹ năng nghề. Đồng thời các cơ quan, hiệp hội cần đẩy mạnh đổi mới mô hình quản lý phù hợp tình hình, nhất là trong điều kiện có nhiều yếu tố bất ổn, bất định.
IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)