Nhà nước có vai tròquan trọng trong việc tạo dựng thị trường cho các doanh nghiệp (DN) cơ khí phát triển, thúc đẩy đội ngũ DN cơ khí. Nghiên cứu các cơ chế chính sách mới nhằm khai thông thị trường, thao gỡ khó khăn phát triển sản xuất cơ khí…
Nội dung trên được các doanh nghiệp cơ khí đưa ra tại Hội nghị tham vấn một số chính sách phát triển cơ khí Việt Nam (2021 -2035) do Hiệp hội Cơ khí Việt Nam tổ chức ngày 9/10 tại Hà Nội vừa qua.
Loay hoay chính sách
Theo ông Đào Phan Long – Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam – chia sẻ, ngành cơ khí vốn được coi là ngành công nghiệp mũi nhọn, là nền tảng và động lực hỗ trợ các ngành công nghiệp khác phát triển nhưng nhiều năm nay, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm cách tồn tại và phát triển.
“Nhiều năm qua, hàng loạt hạn chế, yếu kém đến từ cơ chế, chính sách quản lý cũng như từ phía bản thân doanh nghiệp đã khiến ngành công nghiệp cơ khí phát triển khá mờ nhạt, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra”- ông Đào Phan Long nhìn nhận.
Đại diện lãnh đạo Tổng công Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) kiến nghị cần thay đổi chính sách thuế thu nhập DN đối với DN sản xuất lắp rạp ô tô để tạo điều kiện các DN cơ khí phát triển. Cần có quy định khuyến khích các DN FDI sử dụng nguồn cung nội địa như quy định tỷ lệ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ % sử dụng nguồn cung nội địa. Đơn cử như sản xuất lắp ráp ô tô có tỷ lệ nội địa hoá 30% thì thuế thu nhập DN cũng nên giảm 30%.
Bên cạnh đó, có quy định ưu tiên sử dụng sản phẩm cơ khí chế tạo trong nước trong các dự án đầu tư công; Sửa đổi chính sách thuế nhập khẩu linh kiện phụ tùng vật tư dùng sản xuất lắp ráp cụm linh kiện phụ tùng ô tô của các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô theo hướng giảm thuế nhập khẩu xuống 0 % đến 5 % cho các linh kiện dùng lắp cụm phụ tùng ô tô. “Nhà nước có định hướng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu đối với các dự án sản xuất lắp ráp ô tô có qui mô lớn là đầu ra của công nghiệp phụ trợ phụ tùng linh kiện ô tô theo hướng khuyến khích sử dụng chi tiết nội địa”- lãnh đạo VEAM đề xuất.
Bên canh đó, những quy định ràng buộc trong cơ chế đấu thầu cũng khiến cho nhiều DN cơ khí Việt Nam không thể tham gia vào các dự án công trình trong nước và thua ngay trên sân nhà.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Dương Hiệu – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP công nghiệp và thương mại Lidovit cho biết, để tham gia trở thành nhà thầu cung cấp ốc vít cho dự án Metro tại TP.Hồ Chí Minh, công ty phải thông qua doanh nghiệp Nhật Bản, “không thể trở thành nhà thầu trực tiếp, bắt buộc phải là nhà thầu phụ của thầu phụ. Theo đó khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp cơ khí chính là thị trường, đầu ra cho sản phẩm. ông Nguyễn Dương Hiệu chia sẻ.
Ngoài ra, chính sách phát triển thị trường hiện nay cũng chưa rõ ràng, không có những yêu cầu bắt buộc về tỉ lệ nội địa hóa trong công trình, dự án hay ở các doanh nghiệp, nên không bảo vệ được thị trường nội địa.
Tập trung các giải pháp chính sách
Với những vướng mắc nêu trên, các DN cơ khí cho rằng để phát triển ngành cơ khí ngoài nỗ lực của DN nhất thiết phải có bàn tay của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách đồng bộ và ổn định có như vậy DN cơ khí mới phát triển bền vững. Theo đó cần có nghị quyết tốt cho cơ khí Việt Nam, đây cũng là mong mỏi của các DN, những người làm trong ngành công nghiệp nền tảng, trụ cột, xương sống của nền kinh tế.
Hiệp hội Cơ khí Việt Nam kiến nghị trong những năm tới, Việt Nam cần đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng, tăng cường đầu tư công Để khắc phục những tồn tại cản trở cơ khí Việt Nam phát triển.
Theo đó, Chính phủ cũng cần có các chính sách khuyến khích sản xuất một số nguyên vật liệu cho ngành cơ khí chế tạo mà chúng ta đang phụ thuộc nước ngoài.
Hiệp hội cơ khí VN đề xuất có chính sách ưu đãi với các chủ dự án hoặc chủ đầu tư sử dụng sản phẩm cơ khi nội địa. Các ưu đãi về lãi suất nên thực hiện theo phương thức cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp. Đề xuất mức bù chênh lệch ổn định 5%/năm. Thời hạn hoàn vốn cho các dự án đầu tư cơ khí có thời gian gấp 1,5 lần các dự án khác, cụ thể là 10-12 năm.
Trên cơ sở đó, cần ưu đãi để thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực sản xuất cơ khí hiện hành, cần áp dụng ngay cho các doanh nghiệp cơ khí nội địa. Đồng thời, xem xét lại quy định thuế suất VAT đối với sản xuất cơ khí thay cho việc miễn giảm thuế như hiện nay.
Liên quan đến công nghiệp hỗ trợ đối với sản xuất cơ khí, Hiệp hội Cơ khí khẳng định cần thiết có thêm quy định về hàm lượng sản xuất nội địa các sản phẩm đạt trên 30% mới được hưởng ưu đãi của công nghiệp hỗ trợ.
Ghi nhận các ý kiến, đề xuất của các DN cơ khí, Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến cho 2 Nghị định sửa đổi nội dung một số điều của Nghị định số 111/2005 về phát triển công nghiệp hỗ trợ và dự thảo Nghị định phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm 2021- 2035 do Bộ Công Thương đang soạn thảo để trình Chính phủ xem xét.
BQT Trung tâm IDC
IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)