Thu hút đầu tư, nhất là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới dự báo sẽ có nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu. TP. Đà Nẵng đã chủ động thích ứng, “làm mới” các hoạt động thu hút đầu tư, đẩy nhanh xây dựng hạ tầng phục vụ công nghiệp công nghệ cao; và cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Covid-19 thay đổi “bức tranh” thu hút đầu tư
Bước sang năm 2020, TP. Đà Nẵng chọn chủ đề cho năm là “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư” nhằm phát huy có hiệu quả những kết quả đã đạt được từ “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” 2018, 2019, tranh thủ thu hút, tận dụng mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo đó, ngày 19/2/2020 Thành uỷ Đà Nẵng đã ban hành Chương trình số 44-CTr/TU Để thực hiện chủ đề của năm, về định hướng thu hút FDI đến năm 2030. Trong đó, Đà Nẵng chủ động chủ động thu hút FDI có chọn lọc, xem các dự án FDI được xem là một phần quan trọng của nền kinh tế thành phố, theo đúng định hướng với mục tiêu đến năm 2030, thu hút được 7 tỷ USD từ các dự án FDI. Chính quyền thành phố cũng đã tích cực xúc tiến làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài có những dự án lớn. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến hoạt động này gặp nhiều khó khăn.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch & Đầu tư, 9 tháng đầu năm 2020, Việt Nam thu hút được 21,2 tỷ USD vốn FDI, chỉ bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tại TP. Đà Nẵng, 9 tháng đầu năm 2020, thành phố thu hút được 140,88 triệu USD vốn FDI với 66 dự án được cấp mới, 9 dự án tăng vốn; so với năm 2019, thu hút đầu tư giảm cả về số lượng dự án (bằng 65%) và tổng số vốn (bằng 26%).
Theo bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm – Phó Giám đốc Ban Xúc tiến & Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, việc thu hút đầu tư của TP. Đà Nẵng trong năm 2020 thấp, tuy nhiên không thể nhìn ngắn hạn trong 1 năm mà đánh giá, ngoài ra một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các tập đoàn, doanh nghiệp FDI ra quyết định đầu tư chậm hơn bởi còn cân nhắc mọi hoạt động của doanh nghiệp, Vì vậy, không thể nhìn 1 năm mà đánh giá về hiệu quả thu hút đầu tư tốt hay chưa tốt.
Thực tế cho thấy, các dự án đầu tư TP. Đà Nẵng đã được chấp thuận chủ trương, chứng nhận đăng ký đầu tư các năm trước đang có tiến độ triển khai rất tích cực. Trong đó, những dự án FDI với số vốn đầu tư lớn như dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC), Hoa Kỳ), Dự án Mikazuki Spa và Hotel Resort Xuân Thiều (Tập đoàn Mikazuki, Nhật Bản) làm chủ đầu tư đã hoàn thiện giai đoạn 1 để đi vào hoạt động và đang tích cực triển khai giai đoạn 2 với tiến độ đầu tư đúng cam kết với thành phố. Cùng với đó, thu hút vốn đầu tư trong nước ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng với 6 dự án được cấp chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 16.000 tỷ đồng, gấp 4,93 lần về vốn so với cùng kỳ 2019.
Khó khăn luôn đi cùng với cơ hội
Giám đốc Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) – ông Nguyễn Tiến Quang – cho rằng cơ hội thu hút đầu từ của Đà Nẵng luôn rất tốt, cho dù bị ảnh hưởng bởi dịch Cocvid-19 thời gian qua. Và quan trọng là những nỗ lực của chính quyền địa phương có đủ chính sách và ưu đãi để vốn FDI, đặc biệt là nguồn vốn, các dự án đầu tư chất lượng chọn làm nơi để đầu tư.
Theo ông Quang, thu hút FDI trong thời gian tới vẫn được kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng bởi Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng đã thành công và là một trong số ít quốc gia thành công trong phòng chống Covid-19, chuyển sang trạng thái bình thường mới. Việc khống chế tốt dịch bệnh tạo điều kiện cho Việt Nam sớm “mở cửa” trở lại nền kinh tế với các đối tác thương mại, đầu tư lớn. Đây là lợi thế không nhỏ so với các đối thủ cạnh tranh.
Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung, dẫn đến xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, các nền kinh tế để giảm phụ thuộc, đứt gãy chuỗi cung ứng được gia tốc mạnh hơn do dịch bệnh Covid-19, và Việt Nam được các nhà đầu tư chú ý, là địa chỉ có sức hút bởi những lợi thế về địa chính trị, môi trường kinh doanh được cải thiện liên tục, tiềm năng phát triển trung dài hạn được các định chế tài chính, đầu tư thế giới đánh giá cao. Dù kinh tế giảm điểm, Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương đã phần nào thể hiện khả năng thích ứng, vượt khó của doanh nghiệp, của nền kinh tế nước ta….
TP. Đà Nẵng, ngoài những lợi thế chung, thì thành phố có những lợi thế riêng: Đà Nẵng là một trong các tỉnh thành có môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất Việt Nam, có vị trí trung điểm của cả nước và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; quy hoạch, chiến lược phát triển đã được định hình; hạ tầng tương đối phát triển và ngày càng được hoàn thiện; Đà Nẵng là một trong những địa phương thu hút nguồn nhân lực tương đối tốt trong những năm gần đây….
Cùng với đó, theo ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết với những lợi thế mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) mang lại, Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư đến đầu tư để đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam và hưởng ưu đãi thuế quan mà hiệp định này mang lại.
Một điểm mạnh nữa của Đà Nẵng đó là chính quyền cầu thị và năng động, có định hướng và tầm nhìn đúng. “Về tầm nhìn dài hạn, Đà Nẵng tập trung thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao, thay vì thu hút không chọn lọc. Chúng tôi nhận định, sắp tới Đà Nẵng sẽ là điểm đến của sự dịch chuyển các dự án đầu tư từ nhà đầu tư Hàn Quốc. Chính quyền Đà Nẵng rất năng động, thể hiện bằng việc chúng tôi đã nhanh chóng nhận được được giấy chứng nhận đầu tư. Chúng tôi tin rằng với sự nỗ lực của chính quyền, chúng tôi sẽ đạt được thành công tại Đà Nẵng”, ông Phan Thành Tâm – Phó Ban đầu tư Tập đoàn Saigontel – đánh giá.
Ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Đà Nẵng: TP. Đà Nẵng cần tạo đồng thuận hơn giữa nhà nước, nhà đầu tư, người dân trong vấn đề lựa chọn hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường trong triển khai một số dự án đầu tư. Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công, Đà Nẵng cần tranh thủ chính sách này để hoàn thiện hạ tầng, thực hiện nhanh các thủ tục đầu tư, đầu tư, giải ngân đầu tư vừa giúp hoàn thiện hạ tầng cho động lực phát triển lâu dài, vừa kích cầu hỗ trợ cho quá trình phục hồi DN, nền kinh tế.
Những “điểm trừ” cần khắc phục
Tuy có những lợi thế, ưu điểm nổi trội, tuy nhiên, TP. Đà Nẵng vẫn còn những “điểm trừ” cần sớm được khắc phục.
Theo ông Nguyễn Tiến Quang, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh những năm gần đây có dấu hiệu chững lại. Từ vị trí 3 năm liền dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong 2 năm gần đây Đà Nẵng đã tụt hạng xuống vị trí thứ 5. Về mặt bằng chung các chỉ số không giảm điểm, nhưng môi trường kinh doanh không có đột phá khiến các chỉ số đứng lại, trong khi các tỉnh thành khác nỗ lực vươn lên, kéo vị trí Đà Nẵng thấp xuống.
Một điểm hạn chế nữa đó là nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, doanh nghiệp tại TP. Đà Nẵng gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận đất đai. Ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất chế biến kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế chia sẻ: “Thị trường Hương Quế có, đơn hàng chúng tôi không thiếu, nguồn nhân lực đảm bảo, công ty mong muốn có thể di dời ra khỏi khu dân cư, mở rộng sản xuất, tăng sản lượng nhưng đã nhiều năm, nhiều lần kiến nghị đến nay vẫn chưa thể giải quyết vấn đề này”, ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất chế biến kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế nói. Mặc dù TP. Đà Nẵng đang triển khai xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới, nhưng tiến độ rất chậm. Đơn cử như Cụm công nghiệp Cẩm Lệ đã được đề xuất từ năm 2016, đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Bên cạnh đó là chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế; công tác xúc tiến thu hút đầu tư theo kiểu đại trà, chưa có chính sách cụ thể, phù hợp, đáp ứng nhu cầu của từng lĩnh vực, dự án, nhà đầu tư; chưa có chính sách hỗ trợ khác biệt, vượt trội về thu hút đầu tư; việc triển khai mô hình hợp tác công tư nhằm khơi dòng vốn đầu tư khu vực tư nhân chưa có nhiều đột phá; hạ tầng cảng biển, logistics đang chịu sự cạnh tranh mạnh bởi các địa phương trong vùng…
BQT Trung tâm IDC
IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)