Phương pháp tính tỷ lệ nội địa hóa của ô tô cần được sửa đổi

Với sự thay đổi của thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn sản xuất và kinh doanh ô tô, những quy định hiện hành đã không còn thích hợp và có những kiến nghị thay đổi.

Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang đối mặt với nhiều vướng mắc. Một trong số đó là vướng mắc về phương pháp tính tỷ lệ nội địa hóa với hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước khi những quy định hiện hành được áp dụng 20 năm nay đã không còn phù hợp với thực tế sản xuất và thông lệ quốc tế. Điều này khiến ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chịu thiệt thòi hơn so với ô tô nhập khẩu.

Việt Nam đang áp dụng cách tính tỷ lệ nội địa hóa theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, tỷ lệ tính theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước. Theo quy định này, mỗi cụm phụ tùng, linh kiện chính sẽ áp dụng một điểm số và từ đó quy ra tỷ lệ nội địa hóa nhưng không phụ thuộc vào giá trị của phụ tùng, linh kiện đó.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã ký kết, ô tô được hưởng mức thuế nhập khẩu là 0% nếu hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa nội khối đạt từ 40% trở lên, khi đó, theo phương pháp tính tỷ lệ nội địa hóa nội khối, hàng hóa sẽ được xác định có nguồn gốc từ các nước ASEAN, việc vẫn áp dụng theo cách tính cũ đang khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp bất lợi khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc nguồn gốc từ các nước ASEAN đã về mức 0% từ năm 2008.

Hiện nay, Thông tư số 05/2018/TT-BCT ngày 3/4/2018 của Bộ Công thương quy định cách xác định tỷ lệ nội địa hóa theo hiệp định của các nước ASEAN. Theo đó, ô tô được nhập khẩu về Việt Nam hay xuất khẩu từ Việt Nam đi các nước ASEAN nếu muốn được thụ hưởng thuế suất ưu đãi là 0% thì đều phải áp dụng quy định này.

Công nghệ với xu hướng ngày càng phát triển, ô tô được trang bị những tính năng và linh kiện ngày càng hiện đại, có giá trị chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị của chiếc xe, nhất là đối với những dòng xe cao cấp, xe điện. Tuy nhiên, theo ông Đào Phan Long – Chủ tịch VAMI, phụ lục 1, 2, 3, 4 được ban hành kèm theo Quyết định số 28 quy định danh mục linh kiện chưa đề cập cụ thể. Ví dụ là hệ thống điều khiển xe thông minh, công nghệ an toàn, hệ thống giải trí đa phương tiện, camera 360, camera trước, sau, hay các cảm biến nằm trong xe.

Quyết định 175 của Thủ tướng là văn bản phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 là cơ sở ban hành Quyết định 28 của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhưng hiện Quyết định 1168/2015 về phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được ban hành thay thế cho Quyết định 175. Theo khoản 4 Điều 154 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, khi văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực. Tuy vây, đến nay đã hơn 7 năm từ khi Quyết định số 1168/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực nhưng Bộ Khoa học và Công nghệ chưa ban hành văn bản thay thế và công bố công khai trên thông tin đại chúng.

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)