Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặt ra 7 nhiệm vụ trọng tâm cho phát triển công nghiệp

Xác định vai trò quan trọng của công nghiệp trong tiến trình phát triển đất nước, ngày 25/20, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Cục Công nghiệp nhằm đánh giá một cách tổng quan những kết quả đã đạt được, thẳng thắn chỉ ra tồn tại, hạn chế để tìm giải pháp khắc phục và đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cả nước đang dần phục hồi sản xuất hậu đại dịch Covid-19.

Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, gồm: Văn phòng Bộ, Vụ tổ chức cán bộ, các Vụ thị trường, Tổng cục quản lý thị trường, Cục Hóa chất, Cục Phòng vệ thương mại…

Bo truong nguyen honng dien dat ra 7 nhiem vu trong tam cho phat trien cong nghiepz2881911663394_8ad656e862aa5e388389cab9c4972c4d

Cần tạo dựng được ngành công nghiệp mang tính nền tảng

Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài đã điểm lại tình hình công tác của Cục trong 9 tháng đầu năm 2021 nói riêng cũng như trong giai đoạn 2017 – 2021 nói chung, trong đó nổi bật là hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, xây dựng, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp.

Các hoạt động của Cục Công nghiệp cũng tập trung cho việc đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khác trong ngành công nghiệp, tiếp tục tiến hành công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Cục trưởng Trương Thanh Hoài cho biết, Cục Công nghiệp sẽ tập trung công tác bảo đảm an toàn phòng dịch phục vụ sản xuất, kinh doanh

Về nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Cục trưởng Trương Thanh Hoài cho biết, Cục Công nghiệp sẽ tập trung công tác bảo đảm an toàn phòng dịch phục vụ sản xuất, kinh doanh; bảo đảm lưu thông hàng hóa phục vụ hoạt động của doanh nghiệp; đề xuất hỗ trợ chính sách về tài chính, tín dụng, an sinh xã hội cho doanh nghiệp và người lao động. Cùng đó, tập trung cho việc hoàn thiện chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương phát triển công nghiệp và truyền thông.

Nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Cục trưởng Trương Thanh Hoài kiến nghị lãnh đạo Bộ chỉ đạo các Vụ, Cục liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Công nghiệp trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, chính sách, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ cũng như các công việc thường xuyên khác trong quản lý ngành. Đồng thời, tạo điều kiện kết nối, phối hợp với các tập đoàn đa quốc gia nhằm thu hút đầu tư, kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp; Kết nối, xây dựng các chính sách hỗ trợ một số doanh nghiệp tiềm năng trong nước trở thành các tập đoàn lớn dẫn dắt các ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển.

Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị của Bộ Công Thương đánh giá cao những kết quả trong công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp của Cục Công nghiệp trong thời gian vừa qua, đồng thuận về tầm quan trọng của công tác xây dựng thể chế, đặc biệt là xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phát triển công nghiệp. Theo đó cần nâng tầm các chính sách phát triển công nghiệp đủ mạnh theo hướng xây dựng và ban hành một đạo luật để làm cơ sở pháp lý cho việc phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Nhiều ý kiến cũng đề cập đến việc tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu công nghiệp, trước hết là công nghiệp trong nước, xây dựng hệ thống truy xuất về nguồn gốc sản phẩm công nghiệp.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã ghi nhận những nỗ lực của Cục Công nghiệp thời gian qua

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã ghi nhận những nỗ lực của Cục Công nghiệp thời gian qua, nhất là trong các lĩnh vực tham mưu xây dựng chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác quốc tế. Thứ trưởng cho rằng, trong thời gian tới, Cục Công nghiệp cần sớm triển khai việc nghiên cứu, xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền xem xét ban hành đạo luật về phát triển công nghiệp. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, Cục Công nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Bộ để hoàn thành tốt hơn, bài bản hơn các nhiệm vụ được giao, đồng thời tổ chức làm việc để hỗ trợ các địa phương xây dựng các chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp.

Lắng nghe ý kiến thảo luận của các đại biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thay mặt lãnh đạo Bộ ghi nhận và biểu dương các kết quả công tác của Cục Công nghiệp trong thời gian vừa qua. Mặc dù mới được thành lập từ 2/10/2017 với chức năng, nhiệm vụ khối lượng công việc lớn, song Cục Công nghiệp đã cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Kết quả nổi bật là phối hợp với các đơn vị chức năng của Ban Kinh tế Trung ương tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết.

Cục Công nghiệp cũng đã tích cực tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016-2025 (theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ), góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cục cũng đã triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế (World Bank, UNIDO…) và các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, Toyota, Mitsubishi… trong đào tạo, cải tiến, xúc tiến kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trở thành các nhà cung cấp cho các tập đoàn lớn.

Đáng ghi nhận, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Cục Công nghiệp đã chủ động, tích cực phối hợp với đơn vị trong và ngoài Bộ trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là công tác tham mưu các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bảo đảm sản xuất an toàn, cung ứng và lưu thông hàng hóa phục vụ các hoạt động của doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong hoạt động của Cục Công nghiệp thời gian qua như công tác tham mưu chính sách chưa chủ động, chất lượng chưa cao, đặc biệt là việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quản lý phát triển ngành. Các văn bản được ban hành có tính chất pháp lý chưa bền vững, hiệu lực pháp lý không cao.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thi hành thực thi các chính sách, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chưa thường xuyên, chưa chủ động và kém hiệu quả. Sự phối hợp với chính quyền các địa phương trong xây dựng, thực hiện các chiến lược, chương trinh kế hoạch, quy hoạch phát triển công nghiệp địa phương còn hạn chế. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tương xứng với yêu cầu thực tế. Công tác truyền thông về phát triển công nghiệp chưa đạt được nhiều hiệu quả. Công tác xử lý văn bản và thủ tục hành chính có lúc, có việc còn chậm trễ, hiệu quả chưa cao.

Khẩn trương hoàn thiện hệ thống chính sách, thể chế thúc đẩy phát triển công nghiệp

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, phát triển công nghiệp là một trong những trọng tâm trong kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian tới. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng như Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 của Quốc hội đều xác định mục tiêu tới năm 2025, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại với tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GPP là 25% trở lên; đến năm 2030 là nước có công nghiệp hiện đại và 2045 là nước phát triển có thu nhập cao. Trên thế giới, những biến động về chính trị, kinh tế, xã hội trong thời gian vừa qua cũng sẽ tác động lớn đến xu thế tổ chức lại các hoạt động sản xuất toàn cầu, đồng thời xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đã và đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, phát triển công nghiệp là một trong những trọng tâm trong kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội

Trong khi đó, nhiều yếu kém nội tại vốn có của công nghiệp Việt Nam vẫn chưa được giải quyết một cách căn bản. Năng lực và trình độ các doanh nghiệp nội địa còn yếu, giá trị gia tăng trong các ngành công nghiệp còn thấp. Tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu còn phụ thuộc rất nhiều vào khối doanh nghiệp FDI. Chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động trong công nghiệp cỏn chưa có nhiều cải thiện.

Nhằm tận dụng tốt các cơ hội để phát triển công nghiệp cả nước thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu Cục Công nghiệp thực hiện tốt 7 nhiệm vụ trọng tâm:

Một là tiếp tục tập trung phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ, các hiệp hội, ngành hàng, địa phương khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do đại dịch Covid – 19 gây ra. Trong đó, chú trọng triển khai hỗ trợ doanh nghiệp theo các chính sách đã được Quốc hội và Chính phủ ban hành trong thời gian qua.

Hai là tiếp tục quán triệt sâu sắc trong cán bộ công chức về các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước về các mục tiêu công nghiệp hóa, để khẩn trương đề xuất xây dựng Luật phát triển công nghiệp theo nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới. Đồng thời, phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp nền tảng theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị.

Ba là triển khai hiệu quả công tác truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội và tạo sự đồng thuận trong quá trình xây dựng các chính sách, chương trình phát triển công nghiệp theo các chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Bốn là, khẩn trương phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương (nhất là những địa phương có tiềm năng về công nghiệp) để xây dựng chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp phù hợp với lợi thế cạnh tranh và nguồn lực của địa phương cũng như của vùng kinh tế (tích hợp vào Quy hoạch vùng, tỉnh).

Trong đó, cần hướng dẫn, khuyến khích xây dựng các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp tại các địa phương có điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ. Vận hành hiệu quả các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp trên địa bàn cả nước để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp tại các địa bàn trọng điểm, là đầu mối kết nối với các trung tâm, các địa phương về công nghệ, kỹ thuật sản xuất, kết nối cung cầu cũng như đóng vai trò là sàn giao dịch các sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trong vùng.

Năm là tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ theo nguyên tắc sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước, với mục đích nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng trong nước, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia; Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất toàn cầu, nâng cao tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị đa quốc gia của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu trong các ngành công nghiệp để sử dụng một cách đồng bộ, thống nhất.

Sáu là nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong khai thác, chế biến và sử dụng các mỏ và loại khoáng sản có quy mô lớn, giá trị cao (cromit Cổ Định, bô-xit Tây Nguyên, titan, quặng sắt…) để sớm huy động vào nền kinh tế, tạo nguồn lực triển ngành công nghiệp vật liệu và công nghiệp hỗ trợ… Hạn chế đến mức thấp nhất việc xuất khẩu thô khoáng sản.

Bảy là tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án, lĩnh vực sản xuất công nghiệp lớn (thép, ô tô, dệt may, da-giày, thực phẩm) phục vụ xuất khẩu, tiêu dùng trong nước; sớm đưa vào vận hành, tạo năng lực cho phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.  “Cần chú ý nghiên cứu chính sách tiếp cận 3I: Imitid (bắt chước), Initiative (cải tiến), Inovation (đổi mới, sáng tạo)”- Bộ trưởng chỉ đạo.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ, hội nhập không chỉ xem từ góc độ Việt Nam tham gia các FTA mà để đầy đủ hơn cần được xem từ góc độ doanh nghiệp Việt Nam tham gia thế nào vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bởi theo Bộ trưởng hội nhập có thành công hay không, các FTA mà chúng ta có được có trở nên ý nghĩa hay không đều lệ thuộc vào lĩnh vực phát triển công nghiệp. “Việt Nam cần tạo dựng được các ngành công nghiệp mang tính nền tảng để sớm trở thành nước công nghiệp theo mục tiêu được xác định tại các nghị quyết của Đảng”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)