Chỉ khi được “Luật hóa” thì các ngành cơ khí chế tạo mới có khả năng phát triển

Ngành cơ khí là một ngành xương sống ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa có được một Nghị quyết của Chính phủ dành riêng cho ngành cơ khí. Chính vì thế, các doanh nghiệp cơ khí chưa có được một chính sách để phát triển và vẫn “loay hoay” tự tìm lối đi.

Có 3 vấn đề chính cần được quan tâm và đề nghị Chính phủ vào cuộc để tháo gỡ:

Thứ nhất là thuế đất phải giảm hơn so với các lĩnh vực khác. Ngành cơ khí có đặc thù là ngành gia công, chế tạo lắp đặt những sản phẩm có kích thước lớn, quá khổ…, vì vậy, diện tích nhà xưởng đủ lớn là yêu cầu cơ bản để doanh nghiệp có đủ cho năng lực chế tạo. Việc chịu thuế đất cao sẽ làm cho các doanh nghiệp cơ khí khó trụ được lâu dài.

Thứ hai là ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp qua việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nếu doanh nghiệp đó có hàng xuất khẩu. Từ đó, doanh nghiệp sẽ có đà phục hồi và phát triển sản xuất, tăng cường xuất khẩu.

Thứ ba là nhà nước nên hạn chế nhập khẩu các sản phẩm trong nước đã làm được. Để tạo công ăn việc làm cho ngành cơ khí trong nước, việc liệt kê danh mục các mặt hàng có thể tự sản xuất là rất cần thiết. Danh sách này sẽ do các hiệp hội đề xuất trình cơ quan có thẩm quyền để Tổng cục Hải quan giám sát. Các doanh nghiệp tư nhân ở nước ngoài được phép xuất, nhập khẩu tự do nhưng phải theo quy định và chịu sự quản lý của Nhà nước.

Ngành cơ khí nội địa Việt Nam  không có được nhiều thị phần, chưa nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ hệ thống chính sách của nhà nước để có nhiều đơn hàng từ đầu tư công như các nước khác.

Vì vậy, Nhà nước nên có quy định chặt chẽ hợp lý trong khối lượng và giá trị dự án để đảm bảo dành cho doanh nghiệp cơ khí nội địa tham gia như thông lệ quốc tế, nên hạn chế nhập khẩu, khuyến khích nhận chuyển giao công nghệ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tự sản xuất.

Bên cạnh đó, nhà nước nên ưu đãi về thuế và chính sách hỗ trợ đóng đổi tàu mới cho các doanh nghiệp đóng tàu và doanh nghiệp vận tải để có thể chủ động tham gia vào thị trường logistics, thúc đẩy xuất khẩu khi thị trường đã đủ lớn và tăng trưởng nhanh.

Với nhiều nước đang phát triển, thị trường cho ngành cơ khí, đặc biệt là cho dự án đầu tư công hay dự án có quy mô thị trường lớn nhận được bảo hộ từ Nhà nước. Còn ở Việt Nam những cơ chế, chính sách để bảo vệ thị trường đang yếu, không đủ để hỗ trợ các nhà đầu tư.

Tới đây, để tạo điều kiện cho ngành cơ khí phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam sẽ trình Chính phủ xin ý kiến về xây dựng Luật Cơ khí. Có như vậy các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho ngành cơ khí mới sớm thực thi.

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)