Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng trong quý 1/2021

Trong ba tháng đầu năm 2021, dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp ở một số địa phương trên nước ta, tuy nhiên quý 1 năm 2021 chỉ số sản xuất công nghiệp IIP vẫn đạt mức tăng trưởng dương 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội Quý 1/2021. (Ảnh: Báo điện tử Hà Nội mới)
Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội Quý 1/2021. (Ảnh: Báo điện tử Hà Nội mới)

Trước những diễn biến khó lường do dịch bệnh Covid mang lại, Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”. Bên cạnh đó, sự nỗ lực chung sức đồng lòng của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp đã giúp cho nền kinh tế Việt Nam quý 1/2021 duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Trong buổi Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội Quý 1/2021 do Tổng cục thống kê tổ chức ngày 29/3/2021, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng chủ trì cuộc họp báo đã cho biết một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội quý 1/2021 như sau:

 – Tổng sản phẩm trong nước (GDP): + 4,48%

 – Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): + 5,7%

 – Số doanh nghiệp thành lập mới: 29,3 nghìn doanh nghiệp

 – Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: + 5,1%

 – Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội: + 6,3%

– Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa: + 22%

– Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa: + 26,3%

– Xuất siêu: 2,03 tỷ USD

– Chỉ số giá tiêu dùng bình quân: + 0,29%

– Lạm phát cơ bản: + 0,67%

Đối với ngành công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) là chỉ tiêu quan trọng phản ánh tình hình phát triển toàn ngành công nghiệp nói chung và tốc độ phát triển của từng sản phẩm, nhóm ngành nói riêng. Vì vậy, con số tăng trưởng dương 5,7% đã tạo động lực cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp tiếp tục phát huy tính sáng tạo, sự quyết tâm để vượt qua khó khăn dịch bệnh Covid. Mặc dù trước đó, doanh nghiệp ngành công nghiệp đã chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh, đặc biệt là doanh nghiệp dệt may khi phải cắt giảm nhân công, đơn hàng sụt giảm, nguồn cung thiếu hụt từ các nước xuất khẩu chính như Mỹ và Trung Quốc,…

Doanh nghiệp Dệt may Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong đại dịch Covid
Doanh nghiệp Dệt may Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong đại dịch Covid-19

Trong bức tranh tổng quan về nền kinh tế nước ta từ tháng một đến tháng ba, tổng sản phẩm trong nước tăng 4,48% là một mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Hoạt động mua sắm, tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao, cung cầu được hàng hóa trong nước được ổn định.

Tuy nhiên, nền kinh tế – xã hội ba tháng tiếp theo được nhận định sẽ có nhiều biến động và đối mặt với nhiều khó khăn thử thách bởi tình hình dịch bệnh Covid đang diễn biến phức tạp trên thế giới với những biến chủng mới nguy hiểm.

Nguồn:vsi.gov.vn

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)