Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự thích ứng phát triển của ngành cơ khí

Trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, ngành công nghiệp cơ khí đóng vai trò là một trong những ngành công nghiệp xương sống của Việt Nam. Ngành cơ khí đang đối mặt với những cơ hội cũng như thách thức để cạnh tranh và tồn tại trong bối cảnh phát triển công nghiệp 4.0 hiện nay.

 Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết hợp các công nghệ cao từ đó cho phép các nguồn lực được sử dụng tối đa, tiết kiệm nhân lực, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nguồn đầu tư,… trong quá trình tổ chức sản xuất và nghiên cứu, chế tạo công nghệ. Cuộc cách mạng 4.0 sẽ có những tác động quan trọng đến ngành cơ khí, đặc biệt là về công nghệ và sản xuất. Trước những tác động này, ngành cơ khí phải đối mặt với nhiều thách thức.

Đầu tiên là quy mô doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hiện chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh còn yếu, chưa đủ điều kiện tiếp cận công nghệ mới. Trong khi đó, máy móc đang dần thay thế con người trong nhiều công đoạn gia công chế tạo sản xuất. Để phát triển vững mạnh, các doanh nghiệp cơ khí buộc có những thay đổi trong cơ cấu lao động và sản xuất như nâng cao chất lượng nhân lực từ lao động trình độ thấp sang lao động trình độ cao, chuyển đổi công nghệ tiên tiến, nâng cao phương thức quản lý sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu ra. Việc đầu tư của các doanh nghiệp sẽ rất tốn kém trong khi nguồn lực thì có hạn.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng này còn tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ cho các doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ từ các doanh nghiệp nội địa mà còn từ cả các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế.

Một thách thức nữa là việc đào tạo nhân lực cho ngành cơ khí khi sản xuất sẽ dần được tự động hóa, những công đoạn trước được làm thủ công thì giờ có thể thay thế bằng máy móc. Lao động trong ngành cần phải được đào tạo những kỹ năng cũng như đạt được trình độ để vận hành làm chủ máy móc, công nghệ.

Để thích ứng với xu hướng phát triển chung, ngành cơ khí nên tập trung vào sản xuất các sản phẩm quan trọng, ứng dụng công nghệ và đào tạo nguồn lao động. Các doanh nghiệp cần áp dụng khoa học công nghệ vào phát triển, đầu tư máy móc thiết bị, các quy trình sản xuất cần được tự động hóa như vậy có thể tiết kiệm được thời gian, nhân công lao động, phần nào giảm được chi phí. Cùng với đó là tập trung sản xuất sản phẩm quan trọng, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, chú trọng hoạt động quản lý để tận dụng tối đa nguồn lực của bản thân doanh nghiệp, áp dụng hệ thống quản trị, kiểm soát chất lượng…

Về nhân lực của ngành cơ khí, việc đào tạo từ bậc trung tâm dạy nghề đến bậc cao đẳng, đại học cũng đang được đẩy mạnh và trở thành xu hướng. Nhân lực chất lượng cao là sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam.

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)