Đề xuất cần có cơ chế đặc thù phát triển ngành thép

Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp thép đang sử dụng công nghệ cũ nên sản xuất và cạnh tranh thấp. Để ngành thép phát triển cần có những chính sách đặc thù.

Trong giai đoạn 2016 – 2021, Bộ Công Thương cho biết ngành thép phát triển nhanh nhưng mất cân đối giữa thượng nguồn và hạ nguồn. Sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm sau thép như thép ống, tôn mạ kẽm tăng trưởng tốt; còn thép hợp kim, cuộn cán nóng vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn.

Năng lực sản xuất phôi thép của các doanh nghiệp trong nước là 27 triệu tấn một năm, trong đó thép cuộn cán nóng khoảng 7-8 triệu tấn. Và nguyên liệu sản xuất phần lớn nhập khẩu cho sản xuất khiến năng lực cạnh tranh của ngành thép thấp, cung trong nước không đáp ứng đủ cầu.

Bên cạnh đó, quy hoạch ngành thép đã được bãi bỏ theo Luật Quy hoạch 2017, thép được đưa ra khỏi danh mục hàng hoá kiểm soát theo quy định Luật Giá 2012; khiến Nhà nước không có công cụ, khó quản lý, không kiểm soát được năng lực sản xuất, cân đối cung – cầu thép trong nước…

Đặt trong bối cảnh tổng thể phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, ngành thép được đánh giá giữ vai trò cung cấp nguyên vật liệu đầu vào quan trọng nhất cho các ngành sản xuất, chế tạo. Tuy nhiên tới giờ không có chính sách đặc thù cũng như chiến lược phát triển rõ ràng trong thời gian tới.

Theo Bộ Công Thương, khu vực thích hợp phát triển các dự án thép lớn là vùng duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Hồng. Những nơi này có nhiều lợi thế như tập trung đông dân cư, nhu cầu tiêu thụ lớn, hạ tầng giao thông phát triển; nhiều cảng nước sâu, nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, để tiêu thụ năng lượng tại chỗ và quỹ đất còn nhiều…

Ngoài một số nhà máy công suất lớn thuộc Tập đoàn Hoà Phát, Formosa, thép Nghi Sơn… phần lớn các nhà máy sản xuất phôi thép còn lại quy mô công suất nhỏ, công nghệ và thiết bị lạc hậu. Để ngành phát triển, sản xuất thép trong nước cần đa dạng chủng loại, phải đảm bảo tính chủ động. Chỉ nhập khẩu một số chủng loại trong nước chưa sản xuất được như thép hợp kim, chất lượng cao phục vụ công nghệ chế tạo, đóng tàu. Với các sản phẩm như thép cuộn cán nóng, phát triển thêm các dự án sản xuất quy mô lớn do đây là loại thép chiếm tỷ trọng lớn trong ngành chế biến chế tạo.

Trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển ngành thép, Bộ Công Thương cho hay, sẽ xác định lộ trình xử lý, đề xuất các chính sách cụ thể với các nhà máy sản xuất thép sử dụng công nghệ lạc hậu, cũ; có chính sách khuyến khích nhà đầu tư chuyển đổi sang công nghiệp sản xuất thép hiện đại, thân thiện môi trường.

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)