Dệt may: Gặp khó khăn khi xuất khẩu hàng hóa sang Nga

Nga là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, vì tình hình xung đột Nga- Ukraine đang diễn ra phức tạp nên một số doanh nghiệp dệt may có đơn hàng xuất khẩu đi Nga, tuy đã sản xuất xong và sẵn sàng để xuất khẩu nhưng đang gặp khó khăn vì không có hãng vận tải nào nhận hàng đưa sang Nga. 

Việt Nam là quốc gia có độ mở kinh tế rất cao, hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Trong thương mại hàng hóa quốc tế, Nga và Ukraine là hai đối tác thương mại truyền thống và quan trọng của Việt Nam tại khu vực Á – Âu. Xét về kim ngạch thương mại, Nga hiện xếp ở vị trí thứ 1, Ukraine xếp ở vị trí thứ 6.

Theo thống kê từ Hải quan Việt Nam, trong năm 2021, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga đạt 5,5 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,2 tỷ USD (tăng 13,2%) và nhập khẩu đạt 2,3 tỷ USD (tăng 14,9%). Chỉ tính riêng mặt hàng dệt may, giá trị xuất khẩu sang Nga đã đạt 339 triệu USD.

Đối với thị trường Ukraine, năm 2021, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 720,5 triệu USD, tăng 50,6% so với năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam đạt 344,6 triệu USD (tăng 21%) và nhập khẩu từ Ukraine đạt 375,8 triệu USD (tăng 94,2%). Giá trị hàng dệt may xuất khẩu sang Ukraina đạt 8,7 triệu USD.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang 2 thị trường này trong năm 2021 đạt gần 350 triệu USD. Chính vì vậy, giữa cuộc xung đột Nga- Ukraine, ngành dệt may Việt Nam cũng khó tránh những tác động tiêu cực. Ngành dệt may đang chịu tác động không nhỏ bởi những biến động từ thị trường tới tăng trưởng, phát triển, hợp tác kinh tế thương mại, cũng như hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa với 2 quốc gia này.

Thông đánh giá từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho hay, xung đột Nga – Ukraine là một trong những nguyên nhân chính làm giá trên thị trường một số mặt hàng nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng như khí đốt – dầu mỏ, xăng dầu tăng cao, kéo theo sự tăng giá trong chi phí logistic.

Về hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa, do chính sách cấm vận, một số hãng tàu đã từ chối nhận đơn hàng vận chuyển đến Nga, dẫn đến một số doanh nghiệp dù đã sản xuất xong đơn hàng, sẵn sàng xuất khẩu nhưng không có cách thức vận chuyển, không được thanh toán tiền hàng để quay vòng sản xuất. Không chỉ đường thủy, Nga cũng đang chịu cấm vận hàng không. Chỉ một số ít doanh nghiệp hàng không có thể bay đến Nga và cũng phải lựa chọn đường bay dài hơn, chi phí vận chuyển tăng cao, gia tăng áp lực lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.

Về việc thanh toán các hợp đồng thương mại, trong thời gian vừa qua, Mỹ và các nước phương Tây liên tiếp đã đưa ra hàng loạt lệnh trừng phạt nhắm vào hệ thống ngân hàng – tài chính của Nga như hạn chế huy động vốn thông qua thị trường Mỹ; đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga; cấm giao dịch bằng đồng USD với các ngân hàng lớn của Nga như Sberbank, VTB, khiến cho giá đồng Rub biến động, mất giá rất mạnh. Vì vậy, các ngân hàng của Việt Nam không dám đứng ra nhận bảo lãnh do lo ngại Ngân hàng Nga không thể thanh toán cho các đơn hàng xuất khẩu đi Nga.

Đồng thời, các đơn vị chuyển phát nhanh như DHL hay Fedex cũng không nhận vận chuyển chứng từ xuất hàng nên Ngân hàng Nga cũng khó nhận được bộ chứng từ xuất khẩu để thanh toán cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Trước hàng loạt thách thức của doanh nghiệp dệt may trong giao dịch thương mại với Nga, Ukraine, Hiệp hỗ Dệt may Việt Nam Vitas đã gửi công văn đến Bộ Công thương đề xuất, kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhấn mạnh vào việc giảm chi phí logisctic nội địa như giá cước vận tải, chi phí cảng biển, bến bãi.

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)