Nguyên nhân hạn chế sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí

Nhìn chung, ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng về tổng thể, hầu như chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành cơ khí, xương sống của quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nước ta. Bên cạnh một số nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, dung lượng hạ nguồn các sản phẩm cơ khí nhỏ, còn có một số nguyên nhân hạn chế sự phát triển công nghiệp hỗ trợ cơ khí.

Hạ tầng công nghiệp: Một nền công nghiệp cân đối về cơ cấu giữa công nghiệp chế tạo, công nghiệp lắp ráp và công nghiệp chế biến sẽ tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ. Các hoạt động công nghiệp hỗ trợ được hình thành trên cơ sở phát triển chung của các ngành công nghiệp cơ bản, như ngành luyện kim sẽ là điều cần cho ngành cơ khí, và công nghiệp cơ khí là điều kiện cần cho các ngành sản xuất phụ kiện máy móc công nghiệp, ô tô và xe máy. Trong lĩnh vực sản xuất linh kiện kim loại, phục vụ ngành cơ khí, khó khăn về mua vật liệu và nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là thép chế tạo là một cản trở lớn. Các hãng sản xuất sản phẩm cơ khí cuối cùng cũng như doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn phải nhập khẩu 100% thép chế tạo phục vụ nhu cầu sản xuất linh kiện, thiết bị. Công nghiệp luyện kim sản xuất các loại vật liệu kém phát triển khiến cho các doanh nghiệp sản xuất linh kiện không chủ động được nguồn cung cấp trong nước, chịu giá thành cao, không chủ động được thời gian giao hàng và dễ gặp các rủi ro trong thanh toán, giao nhận, vận chuyển…

Về năng lực, công nghệ kỹ thuật: Chỉ một số ít doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được trang bị công nghệ, máy móc hiện đại và hoàn chỉnh. Do thiếu vốn để đầu tư mới nên số thiết bị, máy móc hiện đại chuyên dùng, độ chính xác cao còn ít, đa số doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ, máy móc cũ, lạc hậu, chưa đáp ứng được các yêu cầu của thị trường. Khâu tạo phôi kém, chất lượng vật đúc thấp, tỷ lệ phế phẩm cao, lượng dư gia công lớn. Rất ít các cơ sở đúc bằng khuôn vỏ mỏng, đúc với mẫu tự thiêu hoặc đúc áp lực. Chưa đúc được các mác thép có chất lượng ổn định và độ bền cao. Các công nghệ gia công cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, nhất là đối với các sản phẩm cơ khí xuất khẩu như đúc, gia công áp lực, gia công chính xác (gia công cắt gọt)…Khâu xử lý bề mặt, nhiệt luyện, chế tạo khuôn, gá phát triển khá hạn chế, nhất là các bán thành phẩm kích thước lớn. Bên cạnh đó, thiếu một bộ tiêu chuẩn công nghiệp cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí đã gây trở ngại cho công nghiệp hỗ trợ cơ khí trong nước phát triển ở các khía cạnh đó là, các nhà sản xuất Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn để có thể đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng, tiếp theo đó các sản phẩm chất lượng thấp, giá rẻ không tuân thủ các tiêu chuẩn sẽ đánh bại các nhà sản xuất trong nước.

Về liên kết công nghiệp: Liên kết giữa các doanh nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trong ngành cơ khí còn kém khiến cho lĩnh vực sản xuất linh kiện, thiết bị khó phát triển, các doanh nghiệp lớn vẫn chủ yếu tự sản xuất các sản phẩm hỗ trợ, chưa thay đổi được tập quán kinh doanh, ít đặt mua các loại linh kiện của các doanh nghiệp khác trong nước. Nhà nước cũng chưa bố trí đủ nguồn lực để thực hiện hiệu quả chính sách ươm tạo, bồi dưỡng về công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ tín dụng, nâng cao trình độ quản lý sản xuất và tạo liên kết công nghiệp giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cơ khí phát triển, tham gia được vào chuỗi cung ứng của khách hàng.

Nhu cầu thị trường linh phụ kiện ngành cơ khí: Quy mô thị trường này phải đủ lớn và ổn định để lôi kéo các doanh nghiệp công nghiệp tham gia vào lĩnh vực cung ứng. Ngoài ra, sự chênh lệch quá lớn giữa các doanh nghiệp và lắp ráp với khả năng cung ứng của các doanh nghiệp địa phương luôn là vấn đề của công nghiệp hỗ trợ của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Như vậy với qui mô sản xuất công nghiệp nhỏ chưa đủ lớn để hạ giá thành sản phẩm chế tạo, nên sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành cơ khí vẫn còn cao, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Kinh nghiệm phát triển tương đối thành công ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho việc chế tạo xe máy và ngành ô tô đã chứng minh thể hiện rõ quan điểm này.

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)