Tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí

Công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế nói chung và đối với ngành cơ khí nói riêng, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa quốc gia.

Công nghiệp hỗ trợ là nền tảng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó, quá trình cải biến lao động thủ công lạc hậu thành lao động sử dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại, thay thế các máy móc lạc hậu bằng các máy gia công CNC… hay nói cách khác thì đây chính là quá trình chuyên môn hóa trong các khâu của quá trình sản xuất cơ khí. Các doanh nghiệp cơ khí sẽ chuyển từ sản xuất theo chiều dọc sang sản xuất theo chiều ngang kết hợp chiều dọc. Các doanh nghiệp chỉ cần chọn, tập trung vào chuyên môn hóa vào các chi tiết mà mình có khả năng làm tốt nhất với một mức đầu tư chi phí hợp lý nhất, giảm được giá thành sản phẩm. Các nhà lắp ráp sản phẩm cuối cùng không phải lo nhập khẩu hoặc sản xuất linh kiện và vật liệu đầu vào, họ tập trung vào việc tích hợp và nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, ngành cơ khí sẽ có sự phân công lao động ngày càng sâu sắc. Yếu tố công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ. Với những nước đang phát triển như Việt Nam, thì ngành công nghiệp hỗ trợ cần phải tận dụng lợi thế của người đi sau, tiết kiệm thời gian phát triển công nghệ bằng cách là tiếp thu, chuyển giao trực tiếp từ các nước có nền công nghiệp phát triển thông qua hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoặc các khoản viện trợ phát triển chính thức (ODA),… Công nghiệp hỗ trợ là ngành bao trùm số lượng lớn các ngành công nghiệp khác nên ngành này đang thu hút một số lượng lớn lao động đáng kể. Hơn nữa, lao động ngành này đòi hỏi phải có tay nghề, có trình độ được đào tạo, dễ dàng tiếp thu công nghệ mới. Cùng với sự gia tăng của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, sẽ có một số lượng lớn lao động nông nghiệp sẽ chuyển qua làm việc cho các công ty trong ngành công nghiệp này vì thu nhập của họ được cải thiện hơn. Kết quả là cơ cấu lao động thay đổi từ từ, từng bước nâng cao dần tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, làm thay đổi cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng hợp lý hơn. Công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ giảm giá thành sản phẩm, hạn chế nhập khẩu linh kiện, góp phần giảm nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô, giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững trong dài hạn, và góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm ngành cơ khí. Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thu hút dòng đầu tư nước ngoài (FDI), nhất là FDI trong ngành sản xuất các loại máy móc, thiết bị cơ khí. Đối với ngành cơ khí, công nghiệp hỗ trợ cung cấp tới 85-95% giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp, nên dù có ưu thế lao động dồi dào và rẻ thì công nghiệp hỗ trợ không phát triển cũng làm cho môi trường đầu tư trở nên kém hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài FDI. Khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài còn mang đến những công nghệ sản xuất, kỹ năng, trình độ quản lý tiên tiến hơn, mà từ đó các doanh nghiệp trong nước có thể học tập. Đối với các nền kinh tế đang phát triển, việc đưa ra các chính sách phát triển các doanh nghiệp SMEs được coi là một trong những giải pháp tối ưu nhằm phát triển kinh tế. Việc thành lập và sản xuất kinh doanh của loại hình doanh nghiệp này không đòi hỏi cao về nguồn vốn, trình độ nhân lực, công nghệ…nên trước mắt có thể tận dụng tối đa và hiệu quả nguồn lực trong nước để phát triển kinh tế.

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)