Tháo gỡ khó khăn để xanh hóa chuỗi cung ứng thời trang Việt

Nhiều Hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết có quy định cụ thể về trách nhiệm xã hội trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong quá trình sản xuất sản phẩm. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp dệt may thời trang Việt Nam đang trong quá trình “xanh hóa” chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên liệu, sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, quá trình xanh hóa chuỗi sản xuất, cung ứng vẫn gặp nhiều thách thức. 

Hiện nay, các nhãn hàng lớn trên thế giới đang yêu cầu doanh nghiệp gia công trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may phải “xanh hóa” trong sản xuất, thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải… Đây là rào cản lớn nhất hiện nay với các doanh nghiệp vì phải khoản đầu tư cho máy móc, công nghệ là rất lớn. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, hiện tại hầu hết các nhãn hàng thời trang tại Mỹ, Nhật Bản, EU,… thậm chí là Trung Quốc đều đòi hỏi các đơn vị sản xuất phải tiết kiệm nguồn nước, không chấp nhận việc sử dụng than làm khí đốt vì nó ảnh hưởng môi trường. Bên cạnh đó, họ cũng đòi hỏi nhà bán hàng phải sử dụng nguyên vật liệu xanh, nguyên liệu tái chế theo xu thế của người tiêu dùng trên toàn cầu. Điều này cho thấy, việc doanh nghiệp sản xuất phải minh bạch trong sản xuất, đảm bảo sản phẩm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng đã trở thành yêu cầu bắt buộc.

Theo ông Giang, yêu cầu “xanh hóa” trong chuối sản xuất không mới nhưng sau sự xuất hiện của dịch Covid-19, đã trở thành cấp bách. Tại Hội nghị COP26, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.  Đây là tiền đề mang tính xuyên suốt để ngành may mặc thời trang Việt Nam chuyển đổi, thích ứng. Ông Giang nhìn nhận, để tham gia vào sân chơi toàn cầu, chúng ta phải tuân thủ các cam kết trong Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký.

Để đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng, nhiều doanh nghiệp Việt cho biết, ngoài đầu tư nâng cấp, chuyển đổi hệ thống máy móc, dây chuyền hoạt động nhằm tiết kiệm nước, sử dụng năng lượng mặt trời, doanh nghiệp còn tìm những đơn vị cung ứng nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái chế. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết, vì nhiều khách hàng yêu cầu, May 10 đang tập trung triển khai sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế để tránh khai thác nhiều nguồn tài nguyên và sau khi sử dụng xong chỉ cần 5-10 năm để sản phẩm tự phân huỷ.

Công ty CP Kết nối Thời trang (Faslink), một trong những doanh nghiệp được các công ty sản xuất lựa chọn làm đối tác cung cấp nguyên liệu, đang nghiên cứu và sản xuất các loại sợi có nguồn gốc tự nhiên như sợi bạc hà, sợi cà phê, sợi từ vỏ hàu, xơ dừa,…Những sản phẩm này là lựa chọn hàng đầu của các nhãn hàng như Owen, Belluni, Ivy, Gumac, Yody, Real Clothes, Aristino, Routine, Yame. Chỉ riêng năm 2021, doanh nghiệp này đã cung ứng cho thị trường khoảng 8 triệu mét vải thành phẩm từ nguyên liệu xanh. Bà Trần Hoàng Phú Xuân – Tổng giám đốc Công ty chia sẻ: “Từ những sợi vải xanh, chúng tôi kỳ vọng cung cấp đến người tiêu dùng những sản phẩm an toàn cho sức khỏe và bảo vệ môi trường, lan tỏa thông điệp sống xanh đến cộng đồng”.

Còn thách thức trong phát triển nguyên liệu xanh

Theo đánh giá của VITAS, việc “xanh hóa sản xuất” của doanh nghiệp là phù hợp với xu thế, tuy nhiên đang gặp rất nhiều thách thức khi chỉ 60% doanh nghiệp trong ngành đủ tiềm lực tài chính để đầu tư máy móc hiện đại, sử năng lượng mặt trời trong nhà máy, đầu tư hệ thống nước thải… . Số doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển nguyên liệu xanh chưa nhiều.

Để tháo gỡ điểm nghẽn này, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa việc đào tạo nhân lực cho ngành dệt may, sự đầu tư nghiên cứu phát triển và trang bị máy móc hiện đại. “Việt Nam được đánh giá là nơi có nguồn nguyên liệu thô (bã cà phê, xơ dừa, bạc hà, sen…) dồi dào và rất có tiềm năng phát triển những loại sợi thiên nhiên có giá trị cao nếu được quan tâm đầu tư đúng mức”- đại diện Agtek chia sẻ.

Ở tầm vĩ mô, theo ông Vũ Đức Giang, Luật môi trường (sửa đổi) cần sớm được hoàn thiện nhằm phù hợp với thực tế tại Việt Nam và đáp ứng yêu cầu chung của Luật môi trường thế giới. Đồng thời, Chính phủ cần quy hoạch các khu công nghiệp đạt các yêu cầu chuẩn mực xử lý nước thải dành riêng cho ngành dệt may. Chỉ như vậy, ngành may mặc Việt Nam mới “xanh hóa” toàn diện và đáp ứng được yêu cầu từ nhà nhập khẩu.

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)