Doanh nghiệp dệt may: Thiếu nguồn cung lao động

Với sự phục hồi rõ nét của các thị trường chủ lực, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng dồi dào đến quý III/2021. Tuy nhiêu, các doanh nghiệp dệt may đều phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động sản xuất. Các doanh nghiệp đang buộc phải tuyển dụng cả lao động tay nghề thấp, thậm chí là lao động không có tay nghề, vừa sản xuất vừa đào tạo để kịp tiến độ hoàn thành đơn hàng.

Doanh nghiệp dệt may đang “khát” lao động
Doanh nghiệp dệt may đang “khát” lao động

Năm 2020, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nền kinh tế bị chững lại, các đơn hàng dệt may bị gián đoạn, một số doanh nghiệp phải dãn cách, dừng sản xuất khiến nhiều lao động mất việc làm hoặc bỏ việc do không có thu nhập đảm bảo cuộc sống. Vì vậy, khi thị trường có dấu hiệu phục hồi, các đơn hàng dệt may quay trở lại, nhiều doanh nghiệp dệt may không kịp thích ứng, không kịp tuyển thêm lao động sản xuất. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan thành phố Hồ Chí Minh cho biết không chỉ May Sài Gòn 3 mà các thành viên trong Hội Dệt may thêu đan thành phố Hồ Chí Minh đều đang trong tình trạng “khát” lao động: “Nhiều khách hàng yêu cầu tăng sản lượng như số lượng lao động tăng theo không kịp khiến doanh nghiệp khó khăn trong đáp ứng đơn hàng”. Sở dĩ doanh nghiệp gặp khó khăn là do một phần người lao động, đặc biệt là lao động khu vực miền Tây, sau khi nghỉ việc đã tìm được công việc mới ở địa phương. Một số khu công nghiệp mới được mở ra cũng đã thu hút số lượng đáng kể lao động.

Tại miền Bắc, các doanh nghiệp dệt may cũng đang trong tình trạng thiếu hụt lao động. Công ty May xuất khẩu Ninh Bình đã có đơn hàng sản xuất tới tháng 9/2021 nhưng việc giữ chân người lao động đang khiến doanh nghiệp lo lắng. Tình hình biến động lao động trên địa bàn từ đầu năm 2021 tới nay khá mạnh do có doanh nghiệp giày da mới chuyển đến, thu hút lao động trong vùng với lợi thế công việc khá đơn giản, chỉ làm một khâu, không bị áp lực và không đòi hỏi trình độ tay nghề cao như ngành dệt may. Để giữ chân người lao động, Công ty May xuất khẩu Ninh Bình đã đầu tư máy cắt tự động, giảm áp lực cho người lao động, tăng năng lực sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm; tăng cường công tác chăm lo đời sống sinh hoạt cho người lao động.

Với Tổng công ty May 10 – CTCP, bên cạnh nỗi lo giảm năng suất và doanh thu do doanh nghiệp phải chuyển đổi sang sản xuất mặt hàng dệt kim để bù đắp sự thiếu hụt của mặt hàng truyền thống như sơ mi, veston, quần âu, May 10 còn gặp khó khăn khi tuyển bổ sung thêm lao động để kịp tiến độ hoàn thành các đơn hàng cho quý II/2021 và mục tiêu doanh thu cả năm.

Dệt may là một trong những ngành sử dụng số lao động lớn nhất với gần 2,7 triệu người, đồng thời cũng là ngành chịu sự cạnh tranh rất lớn trong thu hút lao động với các ngành khác như điện, điện tử khi đặc trưng của ngành dệt may là đòi hỏi tay nghề cao, áp lực lớn nhưng mức lương chưa tương xứng. Ngoài ra, doanh nghiệp dệt may trong nước còn phải chịu sự cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Giải pháp tạm thời đang được doanh nghiệp dệt may trong nước áp dụng là tuyển dụng lao động tay nghề thấp, thậm chí không có tay nghề để vừa sản xuất, vừa đào tạo tay nghề nhằm giải quyết các đơn hàng.

Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam – cho rằng: Trong thời điểm ngành dệt may đang có cơ hội phục hồi sản xuất, sự ổn định của lao động rất quan trọng với sự sống còn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện kết hợp nhiều biện pháp nhằm giữ chân người lao động, đặc biệt là những lao động có tay nghề, có kinh nghiệm. Trong đó, đảm bảo việc làm ổn định, duy trì lương, thưởng và các quyền lợi về bảo hiểm y tế, không nợ lương, thưởng… là giải pháp tiên quyết. Các doanh nghiệp cũng cần áp dụng các biện pháp khác như chú trọng đào tạo nâng cao tay nghề, quan tâm và nâng cao chất lượng bữa ăn cũng khiến lao động gắn bó với doanh nghiệp hơn.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3 cũng đồng tình với quan điểm trên: Xây dựng được văn hóa doanh nghiệp bền vững trong đó quan tâm chăm lo cho cuộc sống của người lao động là yếu tố hàng đầu sẽ giúp người lao động thấu hiểu, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Ngoài ra, cần cải tiến các khâu sản xuất, quản lý để nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người lao động. Về kế hoạch dài hạn, các doanh nghiệp cần đầu tư trang thiết bị công nghệ tự động nhằm giảm số lao động thủ công, nâng cao năng lực đáp ứng thời gian giao hàng ngày một ngắn và khắt khe của đối tác, sẵn sàng khi thị trường thay đổi.

Nguồn: Vsi.gov.vn

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)