Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ban ngành liên quan, triển khai nhiều biện pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, từ đó thúc đẩy sự phát triển công nghiệp hỗ trợ nước nhà.
Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng để Việt Nam cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững, tránh bẫy thu nhập trung bình; tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến; thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; vừa tạo tính lan tỏa mạnh mẽ vừa hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI cũng như chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Hiện nay, tuy ngành công nghiệp hỗ trợ đang phát triển nhanh chóng và đóng vai trò không nhỏ trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng ngành vẫn gặp phải một số khó khăn. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là các ngành: điện tử; dệt may- da giày- túi xách; sản xuất, lắp ráp ô tô của Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện nhập khẩu. Vì vậy, khi dịch Covid-19 bùng nổ và diễn biến phức tạp tại các quốc gia trên thế giới, ngành công nghiệp trong nước gặp phải tình trạng thiếu yếu tố đầu vào, dẫn tới tình trạng đình trệ sản xuất. Việc tổ chức thực hiện một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc, thiếu nhất quán và chưa ổn định; các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được ưu tiên như điện tử, cơ khí trọng điểm, sản xuất và lắp ráp ô tô, dệt may, da giầy,… nhằm tạo thị trường cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng chưa đạt được những kết quả như mong muốn. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản không chức nhiều hàm lượng công nghệ, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho thị trường nội địa còn nhiều bất cập. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật, chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện, phụ tùng đáp ứng các yêu cầu để tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu nên không đủ khả năng cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu.
Nhằm tạo động lực phát triển các doanh nghiệp, tăng cường hơn nữa giá trị tăng thêm của quốc gia, Chính phủ cũng đã phê duyệt Nghị quyết 115/NQ-CP vào tháng 8/2020 về các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ Việt Nam; đặt ra các mục tiêu đối với ngành công nghiệp hỗ trợ như đảm bảo tính cạnh tranh cao trong thập kỷ tới, đặc biệt đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa với khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam cần có hệ thống các Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật trên phạm vi toàn quốc, thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ công nghiệp liên quan. Những trung tâm này không chỉ tập trung giới thiệu công nghệ, hỗ trợ điều kiện tiếp cận công nghệ cho doanh nghiệp thông qua hợp tác quốc tế và các chính sách của Chính phủ mà còn hỗ trợ cho công tác nghiên cứu phát triển, tạo ra giá trị gia tăng cao cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Với mục tiêu trên, cuối năm 2020, Bộ Công Thương đã khai trương Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VITASK) và Trung tâm kỹ thuật khuôn mẫu, đánh dấu bước tiến nổi bật của Bộ Công Thương trong công tác đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, trở thành cầu nối quan trọng trong thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Việc thành lập những trung tâm này đã thể hiện mong muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ mạnh mẽ, sự hợp tác, đầu tư nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng được các nhu cầu tìm kiếm nguồn nhân lực có trình độ cao hoặc nhà cung ứng tiềm năng từ các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Hiện Việt Nam đã tham gia ký kết các Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cùng nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) khác. Vì vậy, nhu cầu hợp tác, kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nước ngoài, phát triển các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh là rất lớn. Các Trung tâm như VITASK sẽ hỗ trợ mạnh mẽ, giúp nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng được các nhu cầu tìm kiếm nguồn nhân lực có trình độ cao tại Việt Nam.
Nguồn: Vsi.gov.vn
IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)