Bộ Công Thương: Khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam khi kinh doanh tại thị trường Ấn Độ

Trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp tại Ấn Độ, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức tỉnh táo, tìm hiểu các quy định, biện pháp phòng dịch và cân nhắc kỹ càng trước khi ký kết hợp đồng thương mại với doanh nghiệp Ấn Độ.

Các doanh nghiệp Ấn Độ chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch Covid-19
Các doanh nghiệp Ấn Độ chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch Covid-19

Số ca nhiễm mới và số ca tử vong vì dịch bệnh Covid-19 tại Ấn Độ chưa có dấu hiệu giảm. Nhiều bang và vùng lãnh thổ liên bang ở Ấn Độ kéo dài thời hạn lệnh phong tỏa như thành phố New Delhi tiếp tục giãn cách đến ngày 24/5. Việc tiếp tục giãn cách xã hội đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thông quan hàng hóa tại các cảng biển, hoạt động ngân hàng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Ấn Độ.

Do tình trạng thiếu nhân lực lao động, công suất hoạt động tại các cảng lớn như Mundra, Nhava Seva, Chennai, Kolkata hiện nay đã giảm xuống một nửa, dẫn tới các hãng tàu đều cân nhắc khi chở hàng hóa đến Ấn Độ với lo ngại không có hàng quay đầu hoặc phải lưu container tại cảng, chịu phí lưu kho, lưu bãi. Ngoài ra, đa số các ngân hàng chỉ làm việc từ 11h00-14h00, 2 – 3 ngày/ tuần với 30 hoặc 50% nhân viên. Những ngân hàng có nhân viên bị nhiễm Covid-19 bị buộc phải đóng cửa từ 1 – 2 tuần.

Trước tình hình phức tạp trên, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác lâu năm với các doanh nghiệp Ấn Độ thường xuyên liên lạc thăm hỏi, cập nhập tình hình dịch Covid-19, kiểm tra tiến trình thông quan hàng hóa tại cảng và các ngân hàng.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu ký kết hợp đồng thương mại, hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp Ấn Độ trong thời gian này cần tìm hiểu, lựa chọn giao dịch với các doanh nghiệp lớn, có uy tín, có biện pháp phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, trong quá trình đám phán cần thỏa thuận chặt chẽ các điều khoản về giao hàng, thanh toán, giải quyết tranh chấp khi phát sinh và các trường hợp bất khả kháng, đặc biệt hạn chế sử dụng các phương pháp thanh toán trả chậm. Các doanh nghiệp cần tăng cường sử dụng các hình thức giao dịch hợp đồng điện tử. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên mua bảo hiểm đối với tất cả các lô hàng để phòng tránh rủi ro.

Nguồn: Vsi.gov.vn

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)