Công nghiệp hỗ trợ tại tỉnh Khánh Hòa với mục tiêu 70% nhu cầu nội địa được đáp ứng

Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu phát triển đến năm 2025 là tập trung sản xuất các ngành mũi nhọn gồm điện tử, thiết bị điện, công nghiệp công nghệ cao, cơ khí và dệt may –  da giày. 

 4 ngành công nghiệp hỗ trợ mũi nhọn được tỉnh Khánh Hòa xác định phát triển đến năm 2025 dựa trên mục tiêu được Chính phủ đề ra cho chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, định hướng phát triển ngành công nghiệp và những thế mạnh, tiềm năng của tỉnh.

Đầu tiên là ngành cơ khí. Ngành tập trung phát triển lĩnh vực chế tạo máy móc thiết bị. Các hoạt động chuyển giao và đổi mới cần được đẩy mạnh, trình độ công nghệ sản xuất sẽ nâng cao theo hướng áp dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguyên liệu cũng như thân thiện với môi trường. Trong chuỗi giá trị sản phẩm, các khâu có giá trị gia tăng cao cần được chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại để sản xuất phát triển như tạo mẫu, thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, các linh kiện phức tạp…

Đối với ngành điện tử, thiết bị điện, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ như các linh kiện điện tử được hình thành để cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Các doanh nghiệp chủ động tiếp nhận công nghệ hiện đại được chuyển giao. Thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, linh phụ kiện, màn hình,… Các sản phẩm nên được đẩy mạnh sản xuất là máy tính, thiết bị văn phòng, thiết bị mạch in, bo mạch điều khiển, chip điện tử, thiết bị viễn thông và các sản phẩm điện tử chuyên dùng.

Tiếp đến là ngành dệt may – da giày. Các cơ sở sản xuất hiện có được duy trì, tăng cường năng lực. Để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao ở trong và ngoài tỉnh Khánh Hòa về số lượng, chất lượng, mẫu mã, cần thu hút đầu tư cho đổi mới công nghệ, thiết bị ở công đoạn sản xuất nguyên phụ liệu, nhất là công đoạn dệt, nhuộm và hoàn thiện sản phẩm. Ngành da giày cần phát triển sản xuất công nghiệp hỗ trợ, nguyên phụ liệu để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành, tạo giá trị gia tăng thêm. Năng lực thiết kế mẫu mã cần được nâng cao cũng như phát triển sản phẩm mới, sản phẩm chất lượng cao cho thị trường.

Còn ngành công nghiệp công nghệ cao sẽ hình thành lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, phát triển các doanh nghiệp sản xuất phần mềm, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng và dịch vụ phục vụ ngành. Phát triển các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn, làm cơ sở phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ ngành này.

Khánh Hòa sẽ thực hiện lồng ghép với chương trình khác như quỹ phát triển khoa học – công nghệ, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, khuyến công. Cùng với đó là triển khai các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh để trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp khách hàng trong và ngoài nước, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ…

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)