Đơn hàng đầy ắp, doanh nghiệp dệt may vẫn chưa thể yên tâm

Đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành dệt may đang có xu hướng tăng sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch Covid-19. Tuy nhiên các doanh nghiệp lo lắng rơi vào tình trạng “càng làm, càng lỗ” vì đang phải đối mặt với giá cả đầu vào tăng mạnh, lo không đảm bảo tiến độ đơn hàng.

Trong quý I.2022, ngành dệt may có đóng góp nhiều nhất tới 1,46 tỷ USD vào tăng xuất khẩu của cả nước và có mức tăng so với cùng kỳ cao nhất kể từ năm 2012 đến nay.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý III/2022 nhưng chưa thể dự đoán được thị trường sẽ diễn ra thế nào sau đó còn phụ thuộc vào giá cả đầu vào cũng như tình hình dịch bệnh.

Các doanh nghiệp dệt may cho biết mặc dù đơn hàng năm nay nhiều; nhưng các doanh nghiệp lại đau đầu với hàng loạt khó khăn thách thức như: giá nguyên vật liệu tăng, phí vận chuyển, phí hạ tầng cảng biển,…Những chi phí này đang khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo tiến độ của các đơn hàng đã ký kết. Yếu tố quan trọng nữa là thu hút nguồn lao động. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng lương 5-10%. Tất cả những điều này đang khiến doanh nghiệp rất lo lắng vì có thể “càng làm, càng lỗ”.

Đơn cử như Công ty May mặc Dony (TP.Thủ Đức), dù đã có đơn hàng với tổng giá trị lên tới khoảng 3 triệu USD đến cuối năm. Nhưng việc tăng giá nguyên liệu đầu vào đang khiến doanh nghiệp này đau đầu tính toán sao cho vẫn giữ được giá thành, kinh doanh có lãi,.. mà vẫn bảo đảm đầy đủ mức lương cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp đang cố gắng “thắt lưng, buộc bụng” để giảm thiểu khó khăn, tránh đứt gãy đơn hàng do giá nguyên liệu tăng, nâng cao giá trị sáng tạo và chủ động trong nguồn cung nguyên phụ liệu vì hiện nguyên phụ liệu trong nước chỉ đáp ứng được 3%-4%; đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khâu thiết kế lẫn thương mại.

Phó Chủ tịch Vitas mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” để ngành có thể tự túc nguyên phụ liệu để đáp ứng được quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do.

“Bên cạnh những nỗ lực từ phía doanh nghiệp; ngành dệt may hy vọng Nhà nước có cơ chế chính sách hợp lý, cụ thể để khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ bao gồm: phân bổ thu hút đầu tư, quy hoạch tổng thể, hỗ trợ tài chính, lãi suất, tỷ giá…để giúp doanh nghiệp nâng cao cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)