Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi

Từ cuối năm 2021, các doanh nghiệp công nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi. Sang năm 2022, các doanh nghiệp tiếp đà bắt nhịp và tăng tốc. Tuy nhiên, do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp cùng với việc khan hiếm vật tư như xăng dầu, khí đốt, than đốt, chất bán dẫn… diễn ra trên toàn cầu có thể dẫn đến những khó khăn trong sản xuất.

 Năm 2021 dưới sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa nhà máy gây đình trệ sản xuất trong thời gian dài. Chỉ đến khi Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 được đi vào thực thi tại khắp các địa phương trên cả nước, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp mới thực sự khởi sắc.

Dự báo trong thời gian tới, các hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi khi doanh nghiệp dần tìm ra được những phương pháp duy trì sản xuất, thông suốt chuỗi cung ứng trước đại dịch Covid. Bên cạnh đó, nhiều ngành có lượng đơn hàng xuất khẩu tương đối dồi dào. Ví dụ như ngành dệt may, da giày có lượng đơn hàng phủ kín quý II, có những doanh nghiệp đơn hàng đã phủ hết quý III.

Ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn nhiều cơ hội tăng tốc. Nhưng khi dịch bệnh vẫn tiếp diễn cùng với tình trạng tăng giá của nguyên nhiên liệu đầu vào, đặc biệt là xăng dầu đã mang đến nhiều nỗi lo cho doanh nghiệp. Ví dụ như phí vận chuyển, phí giao nhận hàng hóa giữa các nhà máy, kho cảng sẽ tăng do giá xăng dầu tăng. Hay đối với những doanh nghiệp có công đoạn sản xuất dệt hoàn tất có các máy móc chạy bằng dầu FO cũng bị tác động mạnh.

Để đảm bảo sản xuất, các doanh nghiệp nên theo dõi sát các biến động của những mặt hàng chiến lược và kịp thời đưa ra các biện pháp điều hành phù hợp; nắm bắt các cơ hồi về giá để tận dụng sản xuất, xuất khẩu, đảm bảo lưu thông hàng hóa và cung cầu cho thị trường trong nước; đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu cũng như khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do.

Theo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2022 đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt, Bộ sẽ triển khai có hiệu quả các đề án hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp, tập trung vào ngành công nghiệp ô tô, điện tử, dệt may, da giày. Chú trọng vào các hoạt động tổ chức kết nối cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài nhằm khai thác hiệu quả quá trình hội nhập.

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)