Doanh nghiệp da giày đứng trước nỗi lo mất đơn hàng

Doanh nghiệp da giày lo lắng mất đơn hàng nếu không sớm trở lại sản xuất, khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.

Doanh nghiệp da giày đứng trước nỗi lo mất đơn hàng
Doanh nghiệp da giày đứng trước nỗi lo mất đơn hàng

Việc các tỉnh miền Nam bùng phát dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp da giày chịu ảnh hưởng nặng nề trong tháng 7, tháng 8, chỉ số sản xuất của ngành xuất khẩu từ 20 tỷ USD/năm giảm xuống thấp chưa từng có.

Các doanh nghiệp không thể hoạt động bình thường khi TPHCM đã giãn cách xã hội hơn 3 tháng, Bình Dương, Đồng Nai, những khu công nghiệp sản xuất chủ lực đều phải thực hiện giãn cách kéo dài. Còn một số doanh nghiệp đang thoi thóp khi áp dụng sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” do nguồn lực hạn hẹp và chi phí tăng cao, năng suất chỉ bằng ¼ so với trước đây, nên dù có đơn hàng doanh nghiệp cũng không thể sản xuất đủ để trả cho khách hàng. Theo Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), các doanh nghiệp da giày tại miền Bắc và miền Trung cũng gặp phải dãn cách xã hội và thiếu nhân lực dẫn đến chỉ hoạt động được 50 – 70% công suất.

Về cung của ngành da giày, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá khó khăn lớn nhất là quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa không được đảm bảo thông suất để phục vụ kinh doanh, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa do các quy định phức tạp về phòng dịch cũng như sự không thống nhất giữa các địa phương. Trong thời gian tới, cầu của ngành da giày được dự báo chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh và các quy định về giãn cách xã hội, dẫn đến nhiều ngành sản xuất bao gồm da giày, ô tô, cơ khí, thép… sẽ sụt giảm đơn hàng nghiêm trọng. Hiện tại có dấu hiệu về việc khách hàng ngưng đơn hàng mới hoặc xem xét khu vực khác để điều chuyển đơn hàng.

Kim ngạch xuất khẩu của phía Nam chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành giày dép nhưng các doanh nghiệp FDI và một vài doanh nghiệp lớn có vốn trong nước là chủ yếu. Khi tại các khu vực sản xuất trọng điểm là TPHCM, Long An, Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp không thể sản xuất hoặc sản xuất áp dụng “3 tại chỗ” chỉ với ¼ số lượng công nhân so với bình thường đã khiến kết quả xuất khẩu chịu ảnh hưởng ngay.

Đặc biệt ngành giày dép là ngành theo mùa và cuối năm là mùa cao điểm. Trường hợp tiếp tục giãn cách sẽ xảy ra tình trạng gãy chuỗi sản xuất và các doanh nghiệp mất đơn hàng quý IV.

79,8% tổng kim ngạch toàn ngành thuộc về các doanh nghiệp FDI, trong đó 81,2% là giày dép và 71,6% là túi xách. Một khi các doanh nghiệp FDI lớn không thể sản xuất bình thường sẽ khiến sản lượng bị cắt giảm, kéo theo giảm xuất khẩu ngành nghiêm trọng. Do đó, Lefaso đề nghị các tỉnh phía Nam nên áp dụng mở cửa từng bước với “vùng xanh” cùng với đó là ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong các ngành sản xuất xuất khẩu trọng điểm như da giày để các doanh nghiệp sớm có thể hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới.

Nguồn: Vsi.gov.vn

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)