Doanh nghiệp dệt may chủ động ứng phó với làn sóng Covid mới

Từ kinh nghiệm sau những đợt dịch Covid-19 trước, ngay khi làn sóng Covid-19 thứ 4 bùng phát, các doanh nghiệp dệt may đã chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh; hạn chế tối đa khả năng lây lan tại doanh nghiệp.

Doanh nghiệp dệt may chủ động ứng phó với làn sóng Covid mới
Doanh nghiệp dệt may chủ động ứng phó với làn sóng Covid mới

Sau khi được tin có người lao động tại một doanh nghiệp thành viên dương tính với virus Covid-19, Tổng công ty May Hưng Yên – CTCP đã tiến hành kịp thời, nhanh chóng các hoạt động rà soát và cách ly F1 liên quan. Những người lao động không có tiếp xúc vẫn tiếp tục sản xuất trong điều kiện thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn. Ông Nguyễn Xuân Dương, chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty May Hưng Yên- CTCP cho biết hiện các doanh nghiệp thành viên của công ty đang được đặt trong tình trạng báo động cao. “Điều chúng tôi lo lắng là không giao hàng kịp tiến độ nếu như phong tỏa cả nhà máy. Khi đó, doanh nghiệp mất tiền gia công, bản thân khách hàng cũng bị thiệt hại”.

Còn tại Tổng công ty CP Dệt may Hoà Thọ, ngay khi đợt dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát, công ty đã khởi động chương trình phòng chống dịch của công ty ở mức cao nhất, lưu trữ thông tin người lao động, thực hiện công tác khai báo y tế với tất cả cán bộ công nhân viên và khách. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đã trang bị cho người lao động các trang thiết bị cần thiết để phòng chống dịch như cồn sát khuẩn, Chloramine B, khẩu trang… ; tăng cường tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh tại doanh nghiệp. Theo bà Trần Tường Anh – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Dệt may Hoà Thọ, do doanh nghiệp đã chốt đơn hàng cho tới tháng 9/2021 nên trong trường hợp xấu, doanh nghiệp bị phong tỏa, dừng sản xuất sẽ ảnh hướng đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, bị phạt hợp đồng, mất tiền gia công, mất uy tín với khách hàng.

Điểm nóng của đợt bùng phát dịch bệnh lần này là các khu công nghiệp đã khiến nhiều doanh nghiệp dệt may lo lắng. Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, nếu tình hình Covid-19 trên thế giới, châu Á và tại Việt Nam đang trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt tại các khu công nghiệp thì sẽ là mối lo lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của các doanh nghiệp và việc làm, đời sống người lao động, đặc biệt với đặc thù ngành dệt may sử dụng nhiều lao động. Cụ thể, dệt may Việt Nam hiện là ngành có lực lượng lao động lớn với khoảng 3 triệu người, có những doanh nghiệp sử dụng hàng vạn người lao động tập trung với mật độ cao; góp phần đảm bảo an sinh xã hội; đóng góp quan trọng về kim ngạch xuất khẩu, dự kiến năm 2021 xuất khẩu 40 tỷ USD.

Cũng theo ông Vũ Đức Giang, từ khi dịch bùng phát năm 2020 đến nay, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít quốc gia đạt được thành công trong việc vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa giữ vững sản xuất ổn định, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Mặt khác, nếu không tiếp tục duy trì được điều này, thành quả cố gắng của cả hệ thống chính trị, của nền kinh tế, của doanh nghiệp và người lao động sẽ bị phá vỡ. Chỉ một doanh nghiệp bị giãn cách, cách ly, tạm ngừng hoạt động từ 14-21 ngày sẽ khiến kế hoạch sản xuất một năm tan vỡ, gây hậu quả vô cùng to lớn. Doanh nghiệp có thể đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản; người lao động mất việc không còn thu nhập.

Do vậy, gần đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đại diện cho công đồng doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam, gửi văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động làm việc ở khu công nghiệp tại trung tâm dịch; ưu tiên cho các doanh nghiệp mua vacxin tiêm cho người lao động theo chủ trương xã hội hóa mà Chính phủ đề xuất để đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng; tạo điều kiện vận động các kênh đối tác, các tổ chức quốc tế, các nhãn hàng cùng nhau phối hợp hành động để mang nguồn vacxin về cho Việt Nam trên cơ chế đóng góp cộng đồng.

Trong khi chờ Chính phủ, Bộ Y tế nghiên cứu và đưa ra quyết định về đề xuất của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Cao Hữu Hiếu – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhấn mạnh: Các doanh nghiệp không nên nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là do đã đạt được những kết quả nhất định từ đợt dịch trước. Các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, khuyến khích người lao động thực hiện nghiêm chỉnh quy tắc 5K của Bộ Y tế. “Tập đoàn sẽ tiếp tục duy trì và phát huy tính tự chủ, linh hoạt trong chỉ đạo và sản xuất để vượt qua làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 này”, ông Hiếu nói.

Nguồn: Vsi.gov.vn

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)