Nâng cao năng lực thông qua đẩy mạnh liên kết các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử

Để nâng cao năng lực cho ngành điện tử tại Việt Nam, việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp điện tử trong nước và các doanh nghiệp FDI là một giải pháp hữu hiệu.

Liên kết phát triển ngành công nghiệp điện tử cần được chú trọng
Liên kết phát triển ngành công nghiệp điện tử cần được chú trọng

Hiện nay, đã có một số hãng công nghệ lớn đặt nhà máy tại Việt Nam như Samsung, LG đã đầu tư hàng tỷ USD vào các nhà máy công nghệ cao ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh, hay Sony, Nokia, Canon, Intel, Foxconn… đều có nhà máy tại Việt Nam.

Theo đánh giá của ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, điện tử là sản phẩm có các yếu tố cấu thành phức tạp và mang công nghệ cao nên chuỗi cung ứng sẽ trải dài. Từ trước đến nay tại Việt Nam, các doanh nghiệp điện tử chủ yếu đến từ các nước có công nghệ phát triển tiên tiến như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Trên thực tế, Việt Nam đứng thứ 12 thế giới và đứng thứ 3 trong khối ASEAN về xuất khẩu điện tử. Thế nhưng có đến 95% giá trị xuất khẩu thuộc về khu vực doanh nghiệp FDI. Chính vì vậy theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam cần phải liên kết sản xuất với các doanh nghiệp FDI công nghệ cao để tiến tới phát triển ngành công nghiệp điện tử một cách bền vững. Để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn quốc tế lớn và tiến tới tham gia chuỗi giá trị ngành điện tử toàn cầu, các doanh nghiệp phải đáp ứng được ba điều kiện là chất lượng, giá cả hợp lý và giao hàng đúng hẹn.

Để chủ động phát triển bền vững cho ngành điện tử, theo các chuyên gia, cần tập trung vào hỗ trợ một số doanh nghiệp điện tử triển vọng của Việt Nam để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này phát triển và đóng vai trò dẫn dắt thị trường trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện – điện tử gia dụng. Các doanh nghiệp điện tử cần quan tâm đến việc xác định các sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá. Mỗi doanh nghiệp cần xác định được những phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp, đồng thời tính đến khả năng đón đầu xu hướng và phát triển công nghệ của thế giới. Trên cơ sở đó giúp cho các doanh nghiệp nội tập trung các nguồn lực để phát triển những sản phẩm có năng lực cạnh tranh tốt. Bên cạnh đó, cần rà soát, hoàn thiện các chính sách pháp luật, đặc biệt là các quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các biện pháp để mở rộng thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.

Nguồn: Vsi.gov.vn

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)