Khủng hoảng thiếu chip xử lý, doanh nghiệp điêu đứng

Cuộc khủng hoảng thiếu chíp xử lý trên toàn thế giới đã và đang gây ảnh hưởng rất tiêu cực tới hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, công nghệ, ô tô tại Việt Nam theo các mức độ khác nhau.

“Chip xử lý”, “Chip”, “Chipset” là những tên gọi khác nhau về bộ vi xử lý đang có mặt trong hầu hết các sản phẩm điện tử, ô tô, thiết bị công nghệ. Hiện nay tình trạng thiếu hụt chip điện tử đang khá nghiêm trọng khiến không những các doanh nghiệp trên thế giới mà các doanh nghiệp sản xuất công nghệ, điện Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy hiện gần như chưa có doanh nghiệp trong nước nào làm ra trọn vẹn được một con chip bao gồm các công đoạn: nghiên cứu, thiết kế và phát triển, sản xuất mà đều phải nhập khẩu nước ngoài và chủ yếu đến từ Trung Quốc. Do vậy cuộc khủng hoảng thiếu chip toàn cầu và hơn nữa có thể tiếp tục kéo dài trong thời gian tới đã, đang và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử, công nghệ, ô tô trong nước.

Một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất trong cơn khủng hoảng này là ngành ô tô khi chip xử lý giữ vai trò quan trọng với các bộ phận trên xe từ pin cho đến điều khiển máy tính. Tính trong tháng 4/2021 sản lượng tiêu thụ ô tô tăng mạnh lên tới 155% so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên tình trạng chậm trễ nhất định trong hoạt động sản xuất, đặt – giao xe… đang kéo dài do thiếu hụt linh kiện chip bán dẫn đang diễn ra trên toàn cầu. Hãng xe Kia, Toyota cho hay khách hàng đặt cọc mua 2 mẫu xe Kia Seltos và Toyota Corolla Cross đều phải đợi 1 – 2 tháng mới có thể nhận xe. Ông lớn Hyundai Motor đã có kế hoạch cho tạm nghỉ sản xuất nhà máy Ulsan số 5 nơi sản xuất xe Tucson và xe điện Nexo, Ulsan số 3 nơi sản xuất các dòng Avante, Venue. Tương tự, hãng xe ô tô Honda, Ford đều cùng chung nhận định quan ngại về tình trạng ngày càng xấu đi khi thiếu linh kiện bán dẫn trên toàn thế giới khiến thời gian sản xuất kéo dài. Thị trường sản xuất trong nước cũng cùng chung kịch bản với thế giới khi bị ảnh hưởng lớn bởi nguồn cung chip xử lý bị thiếu hụt khiến lượng xe đưa ra thị trường giảm sút và có thể giá sẽ tăng nhất là xe nhập khẩu đồng thời thời gian giao hàng cũng bị kéo dài hơn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu chip trầm trọng như hiện nay, trong đó đầu tiên phải kể đến đó là đại dịch Covid-19. Đánh giá về nhu cầu trong giai đoạn Covid-19, nhiều người phải làm việc và học tập từ xa, cách ly xã hội khiến nhiều người không được ra khỏi nhà dẫn đến nhu cầu về smartphone và máy tính bất ngờ tăng cao. Ngoài ra dịch bênh Covid cũng khiến người dân ưu tiên đi lại bằng phương tiện cá nhân nhiều hơn kéo theo cầu trong ngành ô tô cũng tăng mạnh. Về nguồn cung thì giống như nhiều ngành sản xuất khác, do ảnh hưởng của đại dịch nhiều nhà máy sản xuất chip bán dẫn đã phải đóng cửa dẫn đến sự suy giảm về nguồn cung.    Từ đó gây mất cân bằng cung cầu dẫn đến khủng hoảng. Cùng với đó chiến tranh Mỹ – Trung với hàng loạt các hãng công nghệ Trung Quốc khiến cuộc khủng hoảng càng trầm trọng. Một động thái khác khiến diễn biến của cơn bão thiếu chíp lan tỏa với phạm vi rộng hơn là các công ty chip đều sợ hãi và lao vào gom hàng tích trữ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, thổi giá chip tăng vọt.

Chíp xử lý của Intel (Mỹ)
Chíp xử lý của Intel (Mỹ)

Chip vốn là sản phẩm tinh vi có hàm lượng công nghệ rất cao, sản xuất chip đòi hỏi vốn đầu tư lớn và cần thời gian để xây dựng và lắp đặt thiết bị. Hiện tại trên thế giới sản xuất chip chỉ tập trung vào một số ông lớn như TSMC (Đài Loan), Samsung (Hàn Quốc), Intel (Mỹ),… trong đó TSMC và Samsung chiếm tới 70% thị phần sản xuất. Nền công nghiệp sản xuất khổng lồ của thế giới bị phụ thuộc quá nhiều thị trường Châu Á với một số ông lớn trong ngành. Từ đó làm mất đi sự chủ động sản xuất, nguy cơ dẫn đến khủng hoảng dây chuyền rất lớn. Tại Việt Nam, để ứng phó với tình trạng này, các doanh nghiệp công nghiệp trong nước đã phải tính tới hướng đa dạng hóa nguồn cung, chuyển đổi thiết kế sang các dòng sản phẩm, linh kiện an toàn hơn về nguồn cung cấp. Một số ít doanh nghiệp đi đầu  trong lĩnh vực công nghệ Việt Nam đã bước đầu sản xuất chip, hoàn thiện từ khâu sản xuất đến khâu thị trường nhưng quy mô, sản lượng còn hạn chế mới có thể phục vụ sản xuất trong nội bộ doanh nghiệp.

Nguồn: Vsi.gov.vnn

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)