Doanh nghiệp FDI chiếm phần lớn xuất khẩu trong ngành công nghiệp điện tử

Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm phần lớn trong xuất khẩu sản phẩm điện tử, trong đó xuất khẩu điện thoại và linh kiện chiếm đến 99,1%.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê đã công bố, trong quý I/2021, sản lượng điện thoại di động được sản xuất là 54,4 triệu chiếc, tăng 2,7% so với quý I/2020, ti vi là 4458 nghìn chiếc, tăng 30,9% so với quý I/2020. Mặc dù chỉ số sản xuất của sản phẩm quang học, sản phẩm điện tử và máy vi tính tăng 39,7% vào tháng 1 so với cùng kỳ năm 2020 nhưng tháng 2 giảm 3,3% và tháng 3 chỉ tăng 2,4%. Tính chung mức tăng 12,3% của quý I/2021 thấp hơn so với quý I/2020 tăng 14,3%.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Quý I/2021 có 11 mặt hàng có mức kinh ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó chiếm đến 18,2% tổng kim ngạch xuất khẩu là điện thoại và linh kiện với giá trị xuất khẩu cao nhất đạt 14,1 tỷ USD, tăng lên 9,3% so với cùng kỳ năm 2020; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 31,3% đạt 12 tỷ USD. Tuy vậy, phần lớn các sản phẩm điện tử xuất khẩu thuộc khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó 99,1% là điện thoại và linh kiện; 98% là điện tử, máy tính và linh kiện.

Ngành công nghiệp điện tử trong quý I/2021 có nhiều tín hiệu tích cực như Việt Nam cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh vốn cho nhiều dự án có quy mô lớn. Trong đó có dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) được điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD; Dự án Nhà máy Fukang Technology (Singapore) có vốn đầu tư đăng ký 293 triệu USD để sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại Bắc Giang và nhất là công ty Samsung Electronics. Trong 5 năm trở lại đây, công ty Samsung Electronics đóng góp trung bình hơn 1/5 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và lớn nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu ở Việt Nam.

Ngành Điện tử Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 đã phát triển mạnh mẽ, các dự án FDI trong ngành điện tử ngày càng tăng, nhiều hãng điện tử lớn  như Samsung, LG, Foxconn đã đầu tư các cơ sở sản xuất với công nghệ cao ở Việt Nam. Chỉ số sản xuất bình quân trong những năm này của sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng lên 13,94%, trong đó năm 2017 có mức tăng cao nhất là 35,2%. Đến năm 2020, sản xuất được 253,2 triệu chiếc điện thoại di động, gấp 1,3 lần năm 2016; ti vi lắp ráp đạt mức 18.190 nghìn chiếc, gấp 1,7 lần.

Tuy ngành điện tử được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn tại Việt Nam nhưng thực tế ngành vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu của chuỗi sản xuất và phần lớn phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI. Để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, bản thân các doanh nghiệp cần phải mạnh hơn, đủ sức hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia.

Nguồn: Vsi.gov.vn

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)