Trong tháng 4, nhu cầu nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu từ bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu ngành dệt may- da giày để phục vụ sản xuất đơn hàng đã ký tăng mạnh, đạt trị giá gần 8,4 tỷ USD, tăng 22,7%.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ riêng trong tháng 4/2021, nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may- da giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt may- da giày) đạt 2,61 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ tháng trước.
Lũy kế 4 tháng, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng nguyên phụ liệu này đạt 8,39 tỷ USD, tăng mạnh 22% (tương ứng tăng 1,51 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Đơn vị: Tỷ USD
Cụ thể, vải các loại nhập khẩu tăng 22,7% (tương ứng tăng 813 triệu USD); nguyên phụ liệu dệt may- da giày tăng 24,6% (tương ứng tăng 421 triệu USD); bông các loại tăng 13,1% (tương ứng tăng 115 triệu USD); xơ sợi dệt các loại tăng 23,3% (tương ứng tăng 115 triệu USD).
Về thị trường, trong 4 tháng vừa qua, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may- da giày cho Việt Nam, đạt 4,19 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 50% (tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020). Đứng tiếp theo là thị trường Đài Loan với 840 triệu USD (tăng 4,6%); Hàn Quốc với 780 triệu USD (tăng 13,9%); Hoa Kỳ đạt 555 triệu USD (giảm 21,8%).
Sau 1 năm tăng trưởng âm do tình hình dịch Covid diễn biến phức tạp, khó lường, ngành dệt may- da giày đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại trong 4 tháng đầu năm 2021 khi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần dần hồi phục và có những tác động tích cực từ việc ký kết các Hiệp định FTAs. Hoạt động nhập khẩu nguyên phụ liệu tăng nhằm phục vụ cho các đơn hàng đã ký.
Theo báo cáo của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), xuất khẩu sợi đã phục hồi cả về số lượng đơn hàng và hiệu quả sau 24 tháng kinh doanh dưới giá thành, góp phần quan trọng cho việc tăng trưởng hiệu quả lên đến 28% so với cùng kỳ, vượt cả mức trước dịch của quý 1/2019.
Tuy nhiên, các đơn hàng của ngành may mặc trong những tháng đầu năm vẫn là các đơn hàng cơ bản, đơn giá tiếp tục duy trì ở mức thấp. Những đơn hàng hoá cao cấp chưa trở lại, đặc biệt là sản phẩm veston nam.
Các doanh nghiệp dệt may- da giày nhận định, sở dĩ lượng đơn hàng tăng cao có yếu tố khách quan đến từ sự dịch chuyển trở lại của đơn hàng đặt tại Myanmar trước đây do bất ổn chính trị tại nước này từ đầu năm gây nên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sau 1 năm chống dịch đã có những biện pháp phù hợp để thích ứng với thị trường.
Nhìn chung, kịch bản thị trường dệt may toàn cầu hồi nhanh chóng phục hồi sẽ khó diễn ra. Vitas dự kiến, phải tới năm 2023, thị trường dệt may- da giày mới có thể quay lại như năm 2019, dẫn tới chưa có một dự báo trung và dài hạn của thị trường, mọi diễn biến đều chỉ được dự kiến trong chu kỳ từ 3 đến 6 tháng và thị trường dệt may- da giày còn rất nhạy với diễn biến dịch bệnh toàn cầu cả về phía cung và phía cầu.
Nguồn: Vsi.gov.vn
IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)