VITAS: Kiến nghị bỏ thuế VAT với vải sản xuất trong nước, giảm kinh phí công đoàn về 1%

Trong 7 tháng đầu năm 2021, ngành dệt may đã xuất khẩu 22,858 tỷ USD, xếp thứ 2 sau Trung Quốc về xuất khẩu mặt hàng dệt may trên thế giới. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát trở lại vào tháng 8 đã khiến các doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Vitas kiến nghị bỏ quy định nộp thuế VAT đối với vải trong nước sử dụng may xuất khẩu, sửa đổi quy định nộp kinh phí Công đoàn từ 2% xuống 1%.

Kiến nghị bỏ thuế VAT đối với vải sản xuất trong nước
Kiến nghị bỏ thuế VAT đối với vải sản xuất trong nước

Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may đang phải đương đầu với vô vàn thách thức. Thứ nhất, sau khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, khiến cho phần lớn các nhà máy may mặc tại các địa phương này phải đóng cửa do không đáp ứng đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ”. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho rằng, việc thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ tại chỗ) hoặc “một cung đường – hai điểm đến”, chỉ mang tính chất tình thế trong thời gian ngắn hạn. Một số doanh nghiệp khi phát hiện có F0 đã phải đóng cửa nhà máy và rất lúng túng trong cách xử lý, thậm chí, kể từ ngày 05/08/2021, tại một số tỉnh thực hiện giãn cách, các doanh nghiệp vẫn phải đóng cửa ngay cả khi chưa có ca F0.

Thứ hai, việc phải dừng sản xuất đã khiến các doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn khi không có lợi nhuận thu về mà vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương cho người lao động, có thể bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu.

Những doanh nghiệp còn hoạt động sản xuất cũng đang gặp khó khăn do phải giảm 50% – 60% số lao động làm việc để tuân thủ các quy định về giãn cách, nguồn cung nguyên phụ liệu đứt gãy, đồng thời phải chịu nhiều chi phí phát sinh để thiết lập các biện pháp phòng chống Covid, xét nghiệm, tiêm chủng cho người lao động.

Thứ ba, doanh nghiệp còn phải đối mặt với áp lực thiếu hụt lao động do khi dịch bệnh bùng phát trở lại, nhiều lao động đã chuyển về quê do sợ bị lây nhiễm dịch bệnh.

Thứ tư, chi phí vận tải biển quốc tế tăng cao trong thời gian gần đây dẫn tới chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng theo đã ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành liên quan thực hiện một loạt các biện pháp gỡ khó cho ngành dệt may. Vitas có kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét bỏ quy định nộp thuế VAT đối với vải trong nước sử dụng may xuất khẩu thay vì phải nộp thuế trước rồi hoàn sau như quy định; sửa đổi quy định về kinh phí công đoàn, giảm từ mức 2% xuống 1%; giảm phí đường bộ, phí BOT, dừng thu phí cảng biển của Hải Phòng và TP. HCM, không thu phí cảng biển từ 01/10/2021 như dự kiến. Chính phủ cũng cần có hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động tiếp cận các gói hỗ trợ với những thủ tục và điều kiện đơn giản nhất. Ví dụ, chính sách dừng đóng kinh phí công đoàn vẫn giữ nguyên điều kiện người lao động mất việc từ 50% trở lên khiến doanh nghiệp không tiếp cận được.

Ngoài ra, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ ra chỉ đạo hệ thống Ngân hàng và các tổ chức tín dụng không hạ hạn mức tín dụng, tiếp tục giảm lãi suất xuống 0,5 – 1%/năm, giãn thời gian trả nợ gốc và lãi trong năm 2021 và 2022.

Ông Vũ Đức Giang cũng nhấn mạnh, biện pháp hữu hiệu nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp hiện nay là nhanh chóng khai thác nguồn vaccine và tiêm đúng đối tượng. Hiện tại, tổng số lao động trong ngành dệt may được tiêm vaccine chiếm chưa đến 1%. Trong khi đó, để thực hiện mục tiêu kép, phục hồi kinh tế, việc đưa lao động đang quay trở lại địa phương và doanh nghiệp là hết sức cần thiết. “Bên cạnh việc liên kết với các hiệp hội ngành hàng khác để tìm kiếm nguồn cung vaccine hỗ trợ, Hiệp hội cũng đã làm việc với Hiệp hội May Mặc và Giày dép Hoa Kỳ (AAFA) và các nhãn hàng, đối tác quốc tế, các hiệp hội trong nước để có thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ, Biden ưu tiên ủng hộ vaccine cho Việt Nam”, ông Giang nói.

Đồng thời, để quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa không bị ách tắc, theo ông Giang, cần phải bỏ quy định cấp mã QR-Code về “luồng xanh” trên phạm vi cả nước.

Nguồn: Vsi.gov.vn

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)