Doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức do đứt gãy các yếu tố đầu vào

Ngoài khó khăn trong việc thiếu nguồn lao động thời gian phục hồi hoạt động sản xuất, sự đứt gãy các yếu tố đầu vào như nguồn cung nguyên – nhiên – vật liệu, vốn đầu tư đang là mối lo ngại lớn của hầu hết doanh nghiệp.

Covid-19 gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề tới doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung
Covid-19 gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề tới doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung

Sự thâm hụt nguồn cung ứng nguyên, nhiên, vật liệu đã diễn ra từ năm 2020, khi Covid-19 bùng phát và liên tiếp các đợt dãn cách kéo dài. Năm 2021, tiếp tục đón nhận sự tác động mạnh mẽ của Covid-19 gây ra nhiều khó khăn và thách thức cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, vận tải.

Tháng 8/2021 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 27,5 tỷ USD, ước tính giảm 5,5% so với tháng trước và chiều hướng tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn tổng quan 8 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 3,71 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,69 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,36 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 16,65 tỷ USD.

Thời điểm hiện tại, các mặt hàng nhập khẩu nhiều chủ yếu tập trung là nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất cho nhóm hàng xuất khẩu. Nguyên nhân được nêu rõ là do thực trạng của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua đã tác động mạnh mẽ đến nhóm hàng điện tử – nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, một phần do mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi sản xuất kinh tế, một phần đề phòng giá nhập khẩu tiếp tục tăng cao.

Lý do khiến tổng giá trị nhập khẩu tăng là do giá cả nhiều mặt hàng nguyên liệu trên thị trường thế giới trong thời gian qua đã có những biến động mạnh như mặt hàng thép, xơ sợi, phân bón…, khiến giá trị nhập tăng cao dù khối lượng nhập khẩu có thể giữ nguyên.

Sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách nối tiếp đã khiến cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề. Chỉ trong 8 tháng năm 2021, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Tp. Hồ Chí Minh có lên đến 24 nghìn doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%. Số doanh nghiệp phải chấp nhận tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn DN, chiếm 50,5% tổng số DN rút lui khỏi thị trường.

Thị trường nguồn nhân lực lao động ở Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng do sự bùng phát của dịch bệnh và chưa thấy dấu hiệu khả quan. Với số người có việc làm giảm so với những quý trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng so với quý trước. Đứt gãy việc làm cũng đồng nghĩa với việc người lao động bị giảm thu nhập, tác động đến tiêu thụ trong nước – một trong những yếu tố đáng quan ngại khiến tăng trưởng kinh tế và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp trong 8 tháng qua./.

Nguồn: Vsi.gov.vn

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)