Dệt may: Khó đạt được mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD

Sau một thời gian dài sản xuất khó khăn trong năm 2020, sang đầu năm 2021, ngành dệt may đã có dấu hiệu tăng trưởng trờ lại khi đã nhận được nhiều đơn đặt hàng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu ngành dệt may đạt 15,2 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước đó, đánh dấu kết quả rất khả quan trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, việc dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại đã khiến ngành dệt may đối mặt với những khó khăn, thách thức mới.

Ông Hong Sheng Wen, Phó tổng giám đốc Công ty Quảng Việt Tiền Giang cho biết, từ ngày 15/7/2021, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, doanh nghiệp đã phải tạm dừng sản xuất do các quy định về giãn cách. Đến thời điểm hiện nay, doanh nghiệp đã tạm dừng sản xuất được 1 tháng, các đơn hàng của công ty phải hoãn lại, công nhân viên phải tạm nghỉ việc, gây ảnh hưởng không chỉ hoạt động kinh doanh của công ty mà còn cả đời sống của công nhân viên. Tại Công ty Quảng Việt Tiền Giang, chỉ 37 công nhân được tiêm vaccine trên tổng số hơn 5.300 công nhân. Để sớm ổn định hoạt động sản xuất, doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng ưu tiên hỗ trợ tiêm vaccine cho người lao động.

Ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động để phục hồi sản xuất
Ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động để phục hồi sản xuất

Theo báo cáo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), chỉ trong vòng 1 tháng, tập đoàn đã có tới trên 40.000 người lao động tạm thời không thể đi làm, chủ yếu tại khu vực phía Nam. Doanh nghiệp đang phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến các hợp đồng kinh tế và quan hệ với các khách hàng khi không đạt năng suất sản xuất, hoàn thành đơn hàng mà vẫn phải chi trả các chi phí cho người lao động.

Mặc dù 100% các đơn vị đã có đủ đơn hàng hết quý; 75% số đơn vị có đơn hàng đến hết quý IV nhưng việc không thể sản xuất sẽ gây ra tác động liên hoàn từ giao hàng trễ, mất uy tín với khách hàng, không nhận được đơn đặt hàng các tháng 11,12, thậm chí năm 2022 nếu năng lực sản xuất còn dư. Tình trạng này dẫn đến những rủi ro khác như đơn hàng không có nên người lao động tiếp tục phải nghỉ, khách hàng chọn nguồn cung cấp khác dù dịch bệnh có thể đã được khống chế.

Bà Hoàng Ngọc Ánh, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, ngành dệt may sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong những tháng cuối năm 2021. Dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp ở khu vực phía Nam làm gián đoạn chuỗi cung ứng, nhà máy phải đóng cửa do không đáp ứng được các điều kiện để thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, các công ty không thể vận chuyển nguyên liệu phục vụ sản xuất và thiếu nguồn nhân lực để đảm bảo thời gian giao hàng. Vì vậy, theo phân tích từ VITAS, trong kịch bản tích cực, nếu dịch COVID-19 được kiểm soát vào cuối tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của ngành trong năm 2021 chỉ đạt từ 32-33 tỷ USD, hoàn thành 84% kế hoạch cả năm. Số lượng công nhân dự kiến chỉ đạt 65%. Tuy nhiên, theo VITAS, đây là tình hình chung của các nước Đông Nam Á nên Việt Nam vẫn có cơ hội tăng trưởng.

Các doanh nghiệp dệt may hiện đang nhận được nhiều đơn hàng của khách hàng Hoa Kỳ, EU. Nhưng để yên tâm sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó lường như hiện nay, vấn đề mấu chốt của ngành dệt may vẫn là tiêm vaccine cho công nhân.

Để hỗ trợ doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch VITAS đã đưa ra một số biện pháp như sau:

Thứ nhất, cần nhanh chóng tiêm vaccine cho người lao động. Với đặc thù là ngành có mật độ tập trung lao động cao, việc tiêm vaccin cho toàn bộ người lao động là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp quay trở lại sản xuất.

Thứ hai, Chính phủ có các chính sách hỗ trợ tài chính, ví dụ như cắt giảm các chi phí để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; giảm 30% giá điện cho đến hết năm 2021; kiến nghị Thành phố Hồ Chí Minh hoãn áp dụng thu phí cảng biển cho đến 30/6/2022 do Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của các tỉnh phía Nam nhưng đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị thành phố Hải Phòng dừng thu phí cảng biển đến 31/12/2021 và nghiên cứu giảm 50% cho năm 2022; kiến nghị các địa phương không điều chỉnh giá thuê đất và nghiên cứu giảm tiền thuê đất 50% cho doanh nghiệp ở các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg…/

Thứ ba, VITAS kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng không hạ hạn mức tín dụng đối với với những doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất do COVID-19; tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 0,5 – 1%/năm; giãn thời gian trả nợ gốc và lãi của năm 2021 và 2022.

Nguồn: Vsi.gov.vn

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)