Ngành ô tô, xe máy đối mặt với những cơ hội và thách thức từ hiệp định EVFTA

Ngành công nghiệp ô tô, xe máy trong những năm qua đã sản xuất hướng tới mục tiêu thay thế nhập khẩu và dần tiến tới xuất khẩu. Tuy vậy còn nhiều vấn đề tồn tại mà ngành công nghiệp ô tô, xe máy cần giải quyết trong quá trình phát triển.

Ngành ô tô, xe máy đối mặt với những cơ hội và thách thức từ hiệp định EVFTA
Ngành ô tô, xe máy đối mặt với những cơ hội và thách thức từ hiệp định EVFTA

Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhận định EU là thị trường có các hoạt động giao dịch thương mại, tiêu dùng và sản xuất các sản phẩm ô tô, xe máy và linh kiện phụ tùng với quy mô lớn trên thế giới, chiếm đến 38% tổng kim ngạch thương mại trên toàn cầu. Mặc dù trong ngành công nghiệp ô tô, xe máy Việt Nam là nước đi sau nhưng kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy lại ngày càng tăng. Theo báo cáo của Cục Công nghiệp, trong năm 2019 Việt Nam có tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm ô tô, xe máy đạt trên 5 tỷ USD, nhiều nhất là các linh kiện hộp số, túi khí và bộ dây điện sử dụng cho ô tô, xe máy. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam lần lượt là Nhật Bản chiếm 45%, Hoa Kỳ chiếm 16%, Hàn Quốc là 6,4% và EU là 4% tổng kim ngạch xuất khẩu linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy.

Các doanh nghiệp tư nhân với quy mô lớn trong ngành công nghiệp ô tô cũng đã được hình thành, trong đó những doanh nghiệp vốn Việt Nam là Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast, Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO),… và những doanh nghiệp 100% FDI là Công ty TNHH Honda Việt Nam, Công ty TNHH Toyota Việt Nam, Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam, Công ty TNHH Ford Việt Nam,… Các doanh nghiệp sản xuất ô tô cam kết trong 10 đến 15 năm từ khi thành lập tại Việt Nam sẽ đạt được tỷ lệ nội địa hóa 40%. Nhưng đến nay, sản lượng của doanh nghiệp còn thấp và còn nhiều doanh nghiệp không đạt được quy mô tối ưu. Các doanh nghiệp vẫn chưa đạt được tỷ lệ nội địa hóa như mong muốn ở các mẫu ô tô.

Về quy tắc xuất xứ, EVFTA có yêu cầu tỷ lệ nội khối đối với các mặt hàng ô tô, xe máy cao hơn các mặt hàng khác, đối với xe máy nguyên chiếc là 50% còn với ô tô nguyên chiếc là 55%. EVFTA cũng có những cam kết cụ thể về các tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành dành riêng cho thiết bị, phụ tùng của xe cơ giới và phương tiện cơ giới, trong đó công nhận Quy định UNECE là tiêu chuẩn quốc tế liên quan và các bên không thêm các yêu cầu kỹ thuật trong các lĩnh vực thuộc Quy định của UNECE. EVFTA khuyến khích Việt Nam tham gia Hiệp định UNECE 1958 và EU cũng cam kết cung cấp hỗ trợ kỹ thuật giúp Việt Nam tham gia Hiệp định này.

Qua đó có thể thấy EVFTA mang lại lợi thế cho ngành ô tô, xe máy là từ cơ hội tái cấu trúc, dịch chuyển đầu tư chuỗi cung ứng và cơ hội chuẩn hoá các tiêu chuẩn trong nước với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế, tiếp cận gần hơn với những công nghệ tiên tiến trong ngành và thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp EU. Đặc biệt khi ngành công nghiệp ô tô trên toàn cầu đang đứng trước những thay đổi nhanh chóng của xu hướng hiện nay là xe ô tô điện, xe tự hành, kết nối và chia sẻ.

Bộ Công Thương đề xuất phương án giảm thuế đối với xe dung tích thấp và xe có tỷ lệ nội địa hóa cao. Đây là một biện pháp tăng cường năng lực nội địa hóa của các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến các kế hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, kế hoạch R&D cho các công nghệ cốt lõi và kế hoạch cung cấp cho các cơ sở hạ tầng khác, nguồn nhân lực.

Danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô cũng được Bộ Công Thương tập trung xây dựng để tạo những nhìn nhận rõ ràng về công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp cũng như các nhà hoạch định chính sách. Danh mục này bao gồm cả việc đánh giá hàm lượng kỹ thuật, mức độ công nghệ trong sản phẩm, để từ đó Việt Nam có thể tự định vị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động chuyển giao công nghệ tiên tiến thông qua các dự án chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hỗ trợ chi phí mua bản quyền của các doanh nghiệp sản xuất trong nước để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô, xe máy. Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước thiết lập các quy trình quản lý chất lượng, bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Nguồn: Vsi.gov.vn

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)