Doanh nghiệp kiến nghị xin hỗ trợ trong tình hình dịch bệnh căng thẳng

Hàng loạt kiến nghị cụ thể về việc đảm bảo những yêu cầu cấp thiết từ các doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng được gửi đến Bộ Công Thương, Bộ Y tế để duy trì sản xuất trong tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay.

Trong cuộc họp trực tuyến với Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương vào cuối tuần trước, các doanh nghiệp, hiệp hội đã nêu ra nhiều bất cập trong việc phối hợp giữa địa phương và doanh nghiệp khi thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là phương án “3 tại chỗ”. Đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mô hình “3 tại chỗ” không thể áp dụng được do cơ sở hạ tầng không thể đáp ứng đủ điều kiện phòng chống dịch nên phải tạm dừng sản xuất.

Doanh nghiệp dệt may xin hỗ trợ trong tình hình dịch bệnh căng thẳng
Doanh nghiệp dệt may xin hỗ trợ trong tình hình dịch bệnh căng thẳng

Còn đối với các doanh nghiệp đã triển khai mô hình này thì phải chịu chi phí thực hiện lớn. Các cơ quan chức năng liên quan chưa đưa ra những quy định hướng dẫn cụ thể, sự thiếu tính nhất quán khiến cho các doanh nghiệp lúng túng khi thực hiện. Đặc biệt, có những doanh nghiệp vừa triển khai áp dụng “3 tại chỗ” với chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất lên đến hàng tỷ đồng thì nhận được thông báo của tỉnh dừng thực hiện mô hình này. Kết quả là doanh nghiệp vừa phải dừng sản xuất, vừa tốn chi phí đầu tư, vừa đứng trước nguy cơ bị phạt hợp đồng do không thể đảm bảo tiến độ giao hàng.

Các doanh nghiệp có ý kiến là khi xảy ra bất cập, chính quyền nên tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ thay vì đột ngột đưa ra các mệnh lệnh hành chính ảnh hưởng khiến doanh nghiệp nản lòng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp muốn thông qua Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đề xuất với Bộ Y tế xem xét bổ sung quy định sát thực tiễn hơn về việc triển khai các hình thức tổ chức sản xuất trong tình hình vừa giãn cách vừa sản xuất kinh doanh tại cơ sở.

Ngoài hai hình thức “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” đã áp dụng, doanh nghiệp kiến nghị Bộ Y tế bổ sung thêm các hình thức khác để doanh nghiệp lựa chọn, đặc biệt đối với trường hợp người lao động được về nhà cần có những quy định cụ thể, có cam kết của người lao động với doanh nghiệp, của doanh nghiệp với địa phương, người lao động phải di chuyển bằng phương tiện cá nhân theo tuyến đường cố định giữa nơi ở và nơi làm việc, không dừng đỗ dọc đường, các biện pháp an toàn phải được đảm bảo.

Các địa phương cần xây dựng các lộ trình hồi phục sản xuất tương ứng với các diễn biến của dịch bệnh để doanh nghiệp bố trí kế hoạch phù hợp. Đối với trường hợp người lao động tại doanh nghiệp là F0, F1, các cơ quan y tế địa phương phải phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để tách họ ra khỏi cộng đồng giúp những lao động khác yên tâm làm việc, doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất. Các kịch bản đưa ra cần có các quy định cụ thể về các điều kiện để doanh nghiệp được hoạt động trở lại với các mức 30%, 50%, 70 % và 100% công suất như trước dịch, giúp doanh nghiệp có thể chủ động bố trí kế hoạch sản xuất thích hợp.

Trường hợp địa phương quyết định tạm dừng các hoạt động sản xuất trên quy mô lớn là toàn bộ khu, cụm công nghiệp tại địa phương cần báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 xem xét, quyết định.

Nguồn: Vsi.gov.vn

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)