Do làn sóng đại dịch Covid-19 kéo dài, nhiều doanh nghiệp khu vực phía Nam đã vụt mất nhiều đơn hàng xuất khẩu, gây ra các hệ luỵ nặng nề. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp đã chủ động và nỗ lực trong việc kết nối với khách hàng để đặt hi vọng có thể hoạt động tốt nhất khi dịch bệnh được kiểm soát và doanh nghiệp tái hoạt động trở lại.
Xây dựng các phương án để duy trì các đơn hàng
Phần lớn các đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may, nông sản ở khu vực phía Nam đã bị mất do thời gian ngưng trệ sản xuất kéo dài. Chính vì thế, xây dựng các phương án mở cửa hoạt động trở lại ở các địa phương ở phía Nam như Bình Dương, Long An, Cần Thơ, …. được các cấp chính quyền và doanh nghiệp rất quan tâm, chú ý.
Theo như đại diện Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai chia sẻ mặc dù trong thời điểm hiện tại thì đầu ra của sản phẩm dệt may được đánh giá vẫn đang khá thuận lợi, đơn hàng chủ yếu từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đức, Australia. Nhưng công ty vẫn đặt kỳ vọng trong thời gian cuối tháng 9/2021, dịch bệnh sẽ được kiểm soát hoàn toàn để giao thương có thể trở lại bình thường, tái hoạt động sản xuất và tăng tốc để hồi phục cũng như bù lại những ảnh hưởng đã gánh chịu trong thời gian vừa qua.
Theo như ông Phan Văn Có – Giám đốc Marketing của Vrice (doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo) chia sẻ, trong suốt thời gian qua doanh nghiệp vẫn cố gắng giữ liên lạc với đối tác nên khi mở cửa trở lại, việc cấp bách cần giải quyết đó chính là chuyển về kho các hàng hoá đang được lưu tại các cánh đồng; đẩy nhanh việc thu hoạch số ruộng lúa còn lại và đảm bảo điều kiện giao hàng cho các đơn hàng kỳ hạn tháng 10-11/2021, còn các đơn hàng đã mất doanh nghiệp cũng đang cố gắng liên lạc lại với khách hàng để giữ mối liên hệ và kỳ vọng có thể hợp tác trong các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, Công ty CP Xuất nhập khẩu Hàng Việt – một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, đã lên phương án giúp cho các đối tác có thể an tâm về đơn hàng không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch bệnh, đồng thời chủ động lên phương án bằng cách cố gắng giữ liên lạc thường xuyên với đối tác nhập khẩu và cập nhật về tiến độ chống dịch, lộ trình xuất đơn hàng cụ thể.
Ở lĩnh vực nông sản, tổng quan thì 2 tháng trở lại đây, việc xuất khẩu của các doanh nghiệp nông sản đã bị nhiều yếu tố cản trở khiến quá trình chậm lại, đặc biệt trong tháng 8/2021 đã bị suy giảm mạnh tới gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ: “Bám sát theo tình hình hiện tại thì các hoạt động xuất khẩu đang bị suy giảm, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc nên chúng tôi đã có nhiều kiến nghị tháo gỡ tới các Bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể là đề xuất các địa phương nên có các phương án để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phương tiện giao thông vận tải lưu thông, giải tỏa ùn ứ hàng hóa từ các vùng sản xuất đến các nhà máy đóng gói, cũng như đến các cửa khẩu xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc cấp giấy phép đi đường cần được triển khai nhanh chóng và tạo các điều kiện thuận lợi cho các lao động tại các nhà máy đóng gói rau quả xuất khẩu tập trung, nhân viên làm các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa… đến các cửa khẩu”.
Bên cạnh các kiến nghị trên, ông Nguyên cho rằng để có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể hồi phục sản xuất và duy trì hoạt động trong thời điểm dịch bệnh đang diễn ra phức tạp và sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh thì Chính phủ nên có động thái ban hành chính sách cải tiến hợp lý về thuế, phí, vốn vay, giãn nợ, giảm lãi suất ngân hàng…
Chủ động trong việc giải quyết các khó khăn về nguồn lực lao động
Ngoài các vấn đề về đơn hàng đang gặp phải thì vấn đề đặc biệt đáng lo ngại trong thời điểm hiện tại của nhiều doanh nghiệp chính là nguồn lao động phục vụ cho quá trình tái hoạt động trở lại. Do dịch bệnh kéo dài dẫn tới nhiều doanh nghiệp không thể giữ chân được người lao động vì thế, để có thể vận động lao động ngưng việc quay lại là rất khó có thể trong thời gian cuối năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu gây rào cản: thứ nhất, tâm lý của người lao động đang lo ngại do tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn và chưa triệt để. Thứ hai, do tết dương lịch và tết âm lịch cũng đã cận kề, thời gian làm việc cũng không được dài trong khi để đi làm trở lại phải tốn nhiều chi phí như đi lại, ăn, ở thì tiền tích luỹ còn lại cũng không được nhiều. Vì vậy, người lao động sẽ có xu hướng tìm việc thời vụ ở quê cho khi kết thúc năm 2021 rồi mới tìm kiếm các công việc ổn định khác.
Để tránh tình trạng ngoài mong muốn đó gây ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng các phương án có thể xảy ra ngay từ thời điểm dịch “chớm” bùng nổ. Trong suốt thời gian dịch bệnh hoành hành thì các doanh nghiệp đã cố gắng “gồng gánh” việc hỗ trợ một phần nào mức lương cho người lao động nhằm mục đích giữ chân họ. Chẳng hạn như Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công đã xây dựng phương án và có những chính sách hỗ trợ tiền lương cơ bản cho người lao động ngưng việc, lãnh đạo công ty đặt nhiều kỳ vọng khi tái hoạt động sản xuất sẽ đảm bảo được tối thiểu khoảng 80% người lao động trong giai đoạn hồi phục những tháng còn lại của năm 2021./.
Nguồn: Vsi.gov.vn
IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)