Doanh nghiệp thép bùng nổ vẫn cần dè chừng thị trường đảo chiều

Tính cuối năm 2020 đến nay, sau khi dịch bệnh được kiểm soát thành công ngành thép Việt Nam hồi phục với mức tăng trưởng đáng khích lệ đặc biệt giá thép tăng phi mã ảnh hưởng tích cực tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép. Tuy nhiên doanh nghiệp cần cẩn trọng bởi giá thép có thể đảo chiều  

 Có thể thấy ngành thép Việt Nam năm 2020 đạt kết quả ấn tượng. Theo thống kê tổng lượng thép Việt Nam sản xuất được trong năm 2020 là 17,219 triệu tấn thép thô, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó tính bình quân sản lượng thép thô thế giới ước giảm 2,8% so với năm 2019, xuống còn 1.799 triệu tấn. Có thể coi Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng ngành thép tích cực giữa bối cảnh dịch Covid 19. Tiêu thụ thép các loại trong nước đạt 16,984,915 tấn tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019 trong đó xuất khẩu đạt 3,236,794 tấn tăng gấp hơn 3,5 lần năm 2019. Sản lượng xuất khẩu thép của các doanh nghiệp Việt Nam đạt mức đáng khích lệ này là do nhu cầu thép thế giới hồi phục cùng với chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Cụ thể sản lượng xuất khẩu được hỗ trợ mạnh nhờ việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng ở nhiều quốc gia để bảo toàn tăng trưởng GDP trong bối cảnh sản xuất tư nhân bị chững lại; ngành ô tô phục hồi do nhu cầu đi lại bằng phương tiện cá nhân tăng cao thay thế cho phương tiện công cộng khi dịch Covid-19 ảnh hưởng và mảng sản xuất dần ổn định trong nửa cuối năm khi dịch bệnh được kiểm soát.

Nguyên liệu giá thép đầu vào ngày một tăng cao
Nguyên liệu giá thép đầu vào ngày một tăng cao

Sản lượng sản xuất thép tăng cao cùng với giá thép thời gian vừa qua tăng trưởng phi mã đã ảnh hưởng rất tích cực tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam. Theo báo cáo giá thép xây dựng trong nước tăng 25% so với đầu năm và 36% so với mức thấp trong tháng 4, trong khi giá thép cuộn cán nóng (HRC) tăng 43% so với đầu năm và tăng 80% so với mức đáy. Gia thép tăng được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng mạnh cùng với việc cắt giảm công suất ở Trung Quốc và nhu cầu dồn lại từ các quốc gia khác. Đồng thời giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép cũng tăng cao đột biến đạt mốc cao nhất trong 3 năm gần đây do căng thẳng thương mại giữa Úc và Trung Quốc cũng như xu hướng gia tăng phòng vệ thương mại ở các quốc gia và rủi ro tài chính trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm.

Trước bối cảnh giá thép ngày càng tăng cao thúc đẩy các doanh nghiệp tích trữ hàng tồn kho. Tuy nhiên doanh nghiệp cần cẩn trọng bởi giá thép có thể đạt mưc cao nhất trong năm 2021 và điều chỉnh quay đầu giảm do phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt khi nguồn cung dần ổn định (sản lượng thép Trung Quốc dự kiến tăng 2% trong năm 2021 sau khi tăng 5% trong năm 2020). Đồng thời giá nguyên liệu chính để sản xuất thép như quặng sắt, phế liệu, và HRC trên thế giới tiếp tục tăng ảnh hưởng trực tiếp đến giá nguyên liệu trong nước cũng gây áp lực lên các công ty thép đặc biệt các công ty có thị phần nhỏ.

Trước diễn biến thị trường thép đang vô cùng nóng, giá thép tăng quá cao Bộ Công Thương đã chủ động dự báo tình hình và đề ra các giải pháp làm ổn định cung cầu cũng như giá thép. Trong đó Bộ Công thương đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có mức giá biến động lớn; xây dựng các hàng rào tiêu chuẩn kĩ thuật, chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Về dài hạn, cung – cầu các sản phẩm thép sẽ vẫn mất ổn định trong thời gian tới do nhu cầu thép đặc biệt thép cán nóng cho ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp phụ trợ ngày càng tăng. Do vậy, để tăng nguồn cung các loại thép phục vụ ngành cơ khí, chế biến chế tạo, Bộ Công Thương cũng đề nghị Chính phủ có những chính sách thuế, ưu đãi đầu tư để thu hút các doanh nghiệp mở rộng sản xuất hoặc các nhà đầu tư mới có tiềm năng phát triển các dự án thép.

Nguồn: Vsi.gov.vn

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)