Hà Nội tập trung nhiều giải pháp nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ

Trải qua hơn 3 năm khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra hàng loạt hệ lụy cho các doanh nghiệp nhưng tại Hà Nội các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nỗ lực vươn lên và thoát dần khỏi cái bóng Covid-19 để bước sang một trang mới.

Với lợi thế có gần 1000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội, các ban ngành cũng như chính các doanh nghiệp đã và đang tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để đẩy mạnh quá trình phục hồi sản xuất giai đoạn sau đại dịch Covid–19 cho các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Thời gian qua, UBND thành phố cũng như các sở, ban, ngành liên quan đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, như tập trung nghiên cứu, ban hành và triển khai các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ; tổ chức hội nghị, hội thảo, các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp hỗ trợ vào Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội và các khu, cụm công nghiệp của Hà Nội; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các chương trình giao thương, thúc đẩy xuất khẩu với các đối tác ở thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, kiến nghị với Chính phủ cho phép ban hành những chính sách đặc thù phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid 19 trên toàn cầu.  Từ đó góp phần tạo dựng và hình thành mạng lưới các doanh nghiệp vệ tinh, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội với hệ thống các doanh nghiệp lắp ráp, các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn… Hằng năm, thành phố đã triển khai hàng loạt các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và đặt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hằng năm tăng hơn 11%.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội đã chủ động chuyển đổi mô hình, thay đổi chiến lược, ứng phó linh hoạt, đồng thời cũng nhanh chóng phục hồi khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Nhiều doanh nghiệp cũng mạnh dạn chuyển đổi số, liên kết với các đối tác đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất và năng lực thiết bị cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng đã chủ động tìm kiếm những khoản vốn vay ưu đãi để mua sắm máy móc thiết bị, đầu tư dự án nhà máy mới, tăng cường sản xuất đón đầu nhu cầu thị trường.

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)