Do biến thể Delta, các hoạt động sản xuất tại các nhà máy châu Á và quá trình vận chuyển bị gián đoạn. Dự báo, khủng hoảng chuỗi cung ứng thế giới nhiều khả năng sẽ kéo dài đến năm 2022.
Các doanh nghiệp xuất khẩu đang đứng trước khủng hoảng khi thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, giá nguyên liệu và năng lượng lại tăng cao, giá cược vận chuyển tăng lên mức kỷ lục. Các doanh nghiệp buộc phải lựa chọn: tăng giá sản phẩm hoặc phải huỷ toàn bộ lô hàng.
Giám đốc điều hành Musical Electronics Ltd., ông Christopher Tse cho biết, công ty sản xuất các sản phẩm công nghệ tiêu dùng như loa bluetooth, rubik nhưng hiện nay không có đủ linh kiện để sản xuất, không thể mua container, chi phí sản xuất đã tăng lên rất nhiều.
Theo chỉ số Container Thế giới của Drewry, để vận chuyển một container từ châu Á đến châu Âu, doanh nghiệp đang phải trả chi phí cao hơn khoảng 10 lần so với tháng 5 năm 2020. Để đi từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Los Angeles (Mỹ), chi phí này đã tăng hơn sáu lần. Tại báo cáo của Tập đoàn tài chính HSBC Holdings Plc., các chuyên gia nhận định chuỗi cung ứng toàn cầu đã trở nên mỏng manh đến mức chỉ một tai nạn dù nhỏ cũng “có thể gây ra những ảnh hưởng phức tạp”.
Thời gian gần đây, việc nhiều cảng lớn trên thế giới phải ngừng hoạt động khá phổ biến. Ví dụ, cảng Meishan tại tỉnh Ninh Ba (Trung Quốc) đã phải tạm ngừng hoạt động trong 2 tuần khi có một công nhân tại cảng được phát hiện nhiễm Covid-19.
Ông Hsieh Huey-chuan, Chủ tịch của hãng vận tải Evergreen Marine Corp, cho biết: “Tình trạng tắc ùn ứ, tắc nghẽn tại cảng và thiếu container có thể kéo dài sang quý 4 năm 2020, hoặc thậm chí là đến giữa năm 2022. Nếu đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tắc nghẽn tại cảng có thể trở thành một bình thường mới.”
Sự lan rộng của biến thể Delta đang tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Trong báo cáo của mình, Tập đoàn sản xuất Toyota đã cảnh báo việc có thể phải tạm dừng sản xuất tại 14 nhà máy trên khắp Nhật Bản trong tháng tới, đồng thời cắt giảm năng suất tới 40% do tình trạng thiếu chip để sản xuất.
Các chuyên gia tài chính tại Mỹ đã hạ dự báo tăng trưởng cho năm nay, đồng thời nâng kỳ vọng lạm phát vào năm 2022: chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân được dự kiến sẽ tăng 4% trong quý 3, tăng 4,1% trong quý 4, gấp đôi so với mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã đưa ra.
Chang Shu, chuyên gia kinh tế của trang tài chính Bloomberg đánh giá, việc giải quyết các nút thắt trong chuỗi cung ứng là hết sức khó khăn khi mà những nước xuất khẩu lớn như Việt Nam hay Indonesia vẫn đang phải đối mặt với sự lan rộng của dịch bệnh. “Tình trạng này sẽ làm chậm lại các dây chuyền sản xuất, đẩy chi phí sản xuất tăng cao, làm chậm đi tốc độ hồi phục kinh tế toàn cầu.” – ông nhấn mạnh.
Trước thực tế này, các nhà vận chuyển không giấu được sự lo lắng. Karsten Michaelis, Trưởng bộ phận vận tải đường biển của hãng DHL Global Forwarding tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết: “Hãng không kỳ vọng vào việc giá cước sẽ ổn định trong thời gian tới. Việc gián đoạn hoạt động, tình trạng khan hiếm container, tắc nghẽn cảng và thiếu tàu đã và đang tạo ra tình trạng cầu vượt quá cung.” Ông cũng cho hay, hãng đang cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn về tuyến đường và phương thức vận tải để đảm bảo việc thực hiện giao hàng.
Năm 2021 đã đi được hơn nửa chặng đường, vì vậy, các chuyên gia lo ngại nhu cầu tiêu thụ hàng hoá tăng đột biến vào các kỳ nghỉ lễ cuối năm sẽ khiến tình trạng khủng hoảng càng thêm trầm trọng hơn, khi các nhà máy phải gấp rút vận chuyển hàng hóa đến các thị trường Mỹ và châu Âu.
Các doanh nghiệp hiện cũng đang phải điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh để thích ứng với tình hình mới. Nien Made Enterprise chuyên sản xuất tấm phủ cửa sổ của Đài Loan (Trung Quốc) đang tận dụng các dây chuyền sản xuất mới tại Dallas (Mỹ) và cũng đang lên kế hoạch mở rộng cơ sở ở Mexico để giảm bớt tác động của tình trạng khan hiếm container.
Nguồn: Vsi.gov.vn
IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)