69% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh

Theo khảo sát tình hình việc làm, thu nhập của người lao động và tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp dưới tác động của đại dịch Covid-19 từ tháng 5/2021 đến tháng 8/2021 của Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), 69% doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó, 45% doanh nghiệp cho biết “không biết khi nào mở cửa lại sản xuất”.

Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 69% các doanh nghiệp được khảo sát phải tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch, 16% các doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, 15% các doanh nghiệp đã giải thể hoặc ngừng hoạt động kinh doanh chờ giải thể.

Đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp đối mặt không ít khó khăn, thách thức
Đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp đối mặt không ít khó khăn, thách thức

Trong số 14.890 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong bối cảnh dịch, diện tự nguyện ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chờ đến khi dịch được kiểm soát là gần 32,5%; diện buộc phải đóng cửa do có người bị nhiễm Covid-19 (F0) gần 2,5%; diện buộc phải ngừng hoạt động kinh doanh vì các tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16/16+ là hơn 6%.

Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời. Cụ thể, lý do đứt gãy chuỗi cung ứng ngay trong nước chiếm 35,4%, cao nhất theo kết quả khảo sát. Để phòng chống dịch bệnh, nhiều tỉnh/thành phố đã thực hiện phong tỏa, cách ly/giãn cách, một số địa phương chỉ cho phép “mặt hàng thiết yếu” được lưu thông qua địa bàn; các chốt kiểm soát được dựng lên trên khắp các cung đường. Quy định “hàng thiết yếu” đã tạo ra rất nhiều bất cập trên thực tế vì mỗi địa phương lại đưa ra khái niệm “hàng thiết yếu” khác nhau. Đứng thứ hai là lý do doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu về phòng chống dịch của địa phương, chiếm tới hơn 21%. Điều này góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trong nước vì các doanh nghiệp không thể tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành các đơn hàng.

Ví dụ, đối với ngành dệt may, nguồn nguyên phụ liệu được cung cấp chủ yếu bởi các doanh nghiệp tại Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Vì vậy, khi dịch bệnh bùng phát tại khu vực phía Nam, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc tại miền Bắc cũng chịu ảnh hưởng khi bị mất nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, dẫn tới tình trạng buộc phải tạm ngừng sản suất trong khi chờ nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu để thay thế.

Với câu hỏi “dự kiến thời gian đóng cửa tạm thời”, gần 45% doanh nghiệp cho biết “không thể dự tính được”. Tỷ lệ này đã cho thấy tình trạng bị động của doanh nghiệp, các doanh nghiệp chưa lập ra được kế hoạch sử dụng lao động, đặt nguyên liệu sản xuất hay đưa ra các kế hoạch kinh doanh. Số doanh nghiệp dự tính tạm đóng cửa “1-3 tháng” chiếm khoảng 28,5%. Số doanh nghiệp dự tính đóng cửa chỉ “trong vòng 2 tuần” hoặc đóng cửa “hơn 6 tháng” rơi vào khoảng 2,5%. Số doanh nghiệp dự kiến đóng cửa “trong vòng 4 tuần” hay phải đóng cửa trong vòng “3-6 tháng” chiếm hơn 10%.

Với câu hỏi về dòng tiền duy trì sản xuất kinh doanh, gần 40% doanh nghiệp được khảo sát phải “tạm ngừng hoạt động do dịch” vì dòng tiền chỉ đủ duy trì hoạt động kinh doanh “ít hơn 1 tháng”, gấp 2,5 lần tỷ lệ này (17,7%) ở các doanh nghiệp đang “duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Theo loại hình kinh doanh, hộ kinh doanh là đối tượng dễ tổn thương nhất khi có đến 45% số hộ được khảo sát có dòng tiền chỉ duy trì hoạt động được dưới 1 tháng; tỷ lệ này theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH và công ty cổ phần của Việt Nam là 39,5%; tiếp theo là ở loại hình doanh nghiệp nhà nước: 30%; cuối cùng là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: 23,5%. Số liệu này cho thấy nếu không được hỗ trợ tài chính, các doanh nghiệp tiếp tục phải đóng cửa dài hơn 1 tháng hoặc phải giải thể là rất cao.

Tỷ lệ doanh nghiệp có dòng tiền hiện tại đủ để duy trì hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng ở mức 46% đối với nhóm doanh nghiệp “Tạm ngừng hoạt động do dịch” và nhóm doanh nghiệp “duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh”. Số liệu này cho thấy việc doanh nghiệp có thể tiếp tục tồn tại hay không phụ thuộc khá nhiều vào khả năng được phép hoạt động trở lại.

Với nhóm doanh nghiệp đang “tạm ngừng hoạt động do dịch” mà chỉ có dòng tiền đủ để duy trì hoạt động từ “1 đến dưới 3 tháng”, đồng thời địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động vẫn đang thực hiện cách ly/giãn cách thì khả năng doanh nghiệp phải giải thể là khá cao. Do đó, thời điểm tháng 9 năm 2021 được cho là thời điểm “quyết định” để chính quyền “cứu nguy” doanh nghiệp.

Để đảm bảo hoạt động, các doanh nghiệp kiến nghị giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và lãi vay ngân hàng, đồng thời đề xuất các chính sách hỗ trợ, phối hợp với doanh nghiệp trả lương cho người lao động phải tạm nghỉ do dịch; đẩy nhanh tốc độ giải ngân để gói hỗ trợ sớm đến được với người dân và doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để phục hồi sản xuất kinh doanh;…

Các doanh nghiệp cũng đề xuất các giải pháp đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành thông suốt, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các đơn hàng xuất khẩu.

Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng thêm các mô hình sản xuất kinh doanh an toàn để doanh nghiệp lựa chọn linh hoạt, tùy tình hình sản xuất thực tế.

Nguồn: Vsi.gov.vn

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)