Doanh nghiệp CNHT Việt Nam không mặn mà để đầu tư vào sản xuất linh kiện, phụ tùng

Ngành công nghiệp ô tô ngày càng phát triển cùng với xu hướng chuyển dịch của làn sóng FDI vào Việt Nam tạo ra miếng đất màu mỡ cho các doanh nghiệp CNHT Việt Nam phát triển sản xuất. Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp Việt Nam sản xuất phụ tùng ô tô xe máy còn khá khiêm tốn do ngành công nghiệp hỗ trợ còn gặp nhiều khó khăn.

Đơn vị tính: Chiếc (ô tô)

Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ nội địa hóa của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 15%. Trong khi đó tỷ lệ nội địa hóa trung bình các nước trong khu vực Đông Nam Á là gần 70% đặc biệt Thái Lan là 80%. Theo thống kê hiện tại Việt Nam có 214 doanh nghiệp cung ứng linh, phụ kiện ô tô, con số này ở Thái Lan cao gấp 10 lần. Với tỷ lệ nội địa hóa thấp, sản lượng sản xuất thấp kéo theo giá thành linh kiện phụ tùng ô tô Việt Nam ở mức cao so với linh kiện nhập khẩu, rất khó cạnh tranh thậm chí ngay tại thị trường Việt. Chính bởi giá cao, khó cạnh tranh nên nhiều doanh nghiệp phụ trợ trong nước vẫn còn ngại ngần sản xuất linh phụ kiện ô tô.

Quy mô thị thị trường nhỏ

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô trong 12 tháng năm 2020 đạt 296.878 chiếc, quy mô thị trường nhỏ nhất trong 5 nước có ngành công nghiệp ô tô tại khối ASEAN, bằng 1/3 quy mô thị trường ôtô của Thái Lan, 1/4 của Indonesia. Điều này dẫn tới tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp này khó có thể tăng để có thể giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm sản xuất trong nước.

Chi phí sản xuất cao

Vật liệu cơ bản cho sản xuất linh kiện ô tô như thép chế tạo, hạt nhựa… phải nhập khẩu làm đội giá thành sản phẩm, khó cạnh tranh với sản phẩm ngoại từ đó làm doanh nghiệp trong nước không mặn mà với việc đầu tư sản xuất. Nghị định số 57/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung một số nội dung của biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi, theo đó từ ngày 10/7/2020 thuế xuất nhập khẩu một số nguyên, vật liệu linh kiện để sản xuất, lắp ráp ô tô đã chính thức giảm về 0%. Tuy nhiên để được hưởng chính sách này, các doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về thủ tục giấy tờ cũng như yêu cầu về năng lực sản xuất khá ngặt nghèo.

Năng lực sản xuất còn hạn chế

Năng lực sản xuất của doanh nghiệp CNHT Việt Nam còn thấp nên khó có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng sẵn có của các hãng xe lớn đã được hình thành từ trước và đã có kinh nghiệm lâu năm. Đồng thời thực tiễn cho thấy các tập đoàn lớn muốn đi tìm nhà cung ứng trong nước, nhưng các doanh nghiệp cung ứng lại muốn các hãng cam kết mua linh kiện, thiết bị lâu dài, số lượng lớn để quyết định đầu tư sản xuất. Tuy nhiên điều này không dễ dàng bởi các mẫu thiết kế luôn thay đổi và đều có quy định riêng khác nhau buộc phải chọn lựa nhiều các nhà cung ứng khác nhau để có chất lượng và giá cả tốt nhất. Ngoài ra doanh nghiệp CNHT ôtô tại Việt Nam thường phải vay lãi suất cao gấp 4 đến 5 lần so với các doanh nghiệp FDI nên chi phí trả lãi luôn lớn đối với họ và buộc họ phải tăng giá bán sản phẩm ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp. Với những yêu tố đó doanh nghiệp sẽ không mặn mà với việc đầu tư sản xuất linh phụ tùng ô tô.

Với những vấn đề thực tế đặt ra, để phát triển ngành công nghiệp ô tô buộc chính phủ phải quyết liệt trong công tác xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô thông qua việc tạo dựng thị trường đủ lớn, đủ thu hút cho các nhà sản xuất ô tô. Đồng thời duy trì và đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thông qua việc tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh của các doanh nghiệp CNHT ô tô trong nước với một số các sản phẩm ô tô chủ lực, có dung lượng thị trường tốt, tạo điều kiện tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nguồn: Vsi.gov.vn

IDC xin thông báo: Hiện tại website đang trong quá trình cập nhật nội dung cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật nên có nhiều thiếu sót. Vì vậy, quý đọc giả, doanh nghiệp và báo chí nếu có góp ý hãy liên hệ cho quản trị Website : Ông Lê Xuân Thọ - Chánh Văn phòng (Hotline: 0948020812)